Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn

Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn khá đặc sắc. Nó chịu ảnh hưởng bởi các nghi lễ cưới truyền thống của Trung Quốc và Hongkong nhưng vẫn có những nét riêng biệt.

Mục lục

Người Hoa và phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, người Hoa sinh sống và làm ăn tập trung nhiều nhất tại khu vực quận 5, quận 6, quận 11 và một phần quận 10. Quận 5 thì đa phần là người Quảng Đông, còn quận 6 thì là người Tiều.

Người Quảng Đông ở Sài Gòn thường gọi mình là Thoòng Dành (唐人nghĩa là người Đường). Có rất nhiều lý giải tại sao họ lại tự gọi mình là như vậy.

Lý do thứ nhất là họ gọi mình là như vậy vì họ muốn con cháu vẫn nhớ đến quên hương của họ là ở Đường Sơn, Quảng Đông.

Một lý do khác nữa là do đời nhà Đường được lập ra bởi Lý Thế Dân đường đánh giá là một trong những triều đại phồn vinh nhất trong lịch sử Trung Quốc nên họ xưng mình là người Đường để mong muốn được phồn vinh như thời nhà Đường.

>>> Xem thêm: Lý Thế Dân là ai?

Không những người Hoa ở Việt Nam mà rất nhiều người Hoa tại Châu Á và thế giới đều xưng mình là Thoòng Dành và họ lập hẳn một phố người Hoa tại đất nước họ và gọi đó là
Thoòng Dành Cai (唐人 街)

Tại thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa chiếm gần 10% tổng dân số của thành phố (nguồn wiki). Điều này có nghĩa là cứ 10 người Việt thì có 1 người Hoa tại Sài Gòn. Người Hoa tại Sài Gòn chủ yếu là người Quảng Đông, người Triều Châu (người Tiều), người Phúc Kiến, người Hẹ (người Gia Khách). Ngôn ngữ được nói nhiều nhất trong cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn là tiếng Quảng Đông.

Mặc dù người Hoa ở Sài Gòn có cội nguồn từ Trung Quốc Đại Lục, tuy nhiên họ lại không thích bị đánh đồng với người Trung Quốc mà thích mọi người so sánh họ giống người Hongkong hơn. Điều này có thể xuất phát từ ngôn ngữ tương đồng và ảnh hưởng của văn hóa Hongkong qua những bộ phim TVB được chiếu rộng rãi tại đây.

Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn nói chung và của người Quảng Đông ở Sài Gòn nói riêng chịu ảnh hưởng bởi các nghi lễ cưới hỏi truyền thống Trung Hoa. Tuy vậy nó cũng tự mang cho mình những nét đặc sắc rất riêng được đúc kết từ trong khoảng thời gian lâu đời mà họ sinh sống trên mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn này.

Theo tục lệ cưới truyền thống của người Việt thì hôn lễ phải tiến hành lần lượt theo sáu bước, tức là “Lục Lễ”. Thứ tự các bước như sau:

   1 – Lễ nạp thái  – là lễ dạm hỏi, hỏi vợ hay còn gọi là lễ chạm ngõ

   2 – Lễ vấn danh – tìm hiểu tên tuổi và ngày tháng năm sinh của cô dâu.

   3 – Lễ nạp cát – bói tìm xem ngày tốt để cưới

   4 – Lễ thỉnh kì – xác định ngày cưới, báo đã chọn được ngày lành tháng tốt.

   5 – Lễ nạp tệ – là mua sắm các lễ vật cưới và mang sính lễ cưới sang nhà gái

   6 – Lễ thân nghênh. – đón cô dâu về nhà chồng

Nhưng trong phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn thì chỉ có 4 bước chính là :

   1 –  Lễ Thuyết Thân – chữ hoa là 說 親. Lễ này còn có tên khác là lễ sang nhà, lễ xem mắt hoặc là đám nói. Nó tương tự như lễ dạm ngõ của người Việt

   2 –  Coi bói chọn ngày lành, giờ tốt – tiếng hoa là 睇日 (giai đoạn này được coi như giai đoạn kết hợp của 3 lễ: vấn danh, nạp cát và thỉnh kỳ),

   3 – Lễ Đính Hôn (訂婚)hay còn gọi là Qua Đại Lễ – chữ hoa là 過大禮 .

   4 – Lễ nghênh thân (迎親):Lễ này chính thức nhận người con gái về làm dâu, trở thành  người thân trong gia đình nhà trai. Nó còn được gọi là lễ đón dâu hay lễ cưới.

Một điều cần lưu ý là người Quảng Đông tại Sài Gòn đều sử dụng ngôn ngữ là tiếng Quảng Đông. Chứ không sử dụng tiếng Phổ Thông hay tiếng Quan Thoại như một số đám cưới của các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan hay Trung Quốc.

Các nghi lễ và phong tục cưới hỏi của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn trước khi cưới

Lễ thuyết thân của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn

Các đôi trai gái người Quảng Đông tại Sài Gòn quen biết và tìm hiểu nhau. Đến một giai đoạn, họ cảm thấy đôi bên là của nhau và muốn tiến đến đám cưới. Thông thường, người con trai sẽ yêu cầu cha mẹ của mình chủ động đến nhà gái ngỏ lời hỏi cưới cô gái mà mình yêu. Việc nhà trai sang nhà gái để hỏi vợ cho con được gọi là “Lễ thuyết thân” tiếng Hoa gọi là 說 親. Khi đó nếu nhà gái đồng ý lời hỏi cưới thì đôi bên gia đình sẽ tiến hành bàn bạc về việc chuẩn bị hôn sự, chủ yếu là thương lượng về sính lễ cưới và ước tính số lượng bàn tiệc.

bàn tiệc
Số bàn tiệc mà nhà trai dành cho nhà gái cũng là một trong những thứ được bàn bạc trong lễ thuyết thân

Sính lễ thông thường sẽ dựa theo yêu cầu của nhà gái mà định, và đương nhiên cũng phải dựa trên khả năng kinh tế của bên nhà trai nữa

Coi bói chọn ngày lành là tục lệ không thể thiếu được trong phong tục cưới hỏi của người Hoa

Bước tiếp theo, đôi bên sẽ mời một người xem bói để xem tuổi cho đôi trai gái sắp cưới cũng như chọn ngày lành giờ tốt để tiến hành lễ hỏi và lễ cưới. Việc chọn ngày lành giờ tốt gọi là 睇日,睇日đối với người Hoa là cực kỳ quan trọng, cho dù không mời thầy bói về xem thì cũng phải chọn ngày tốt theo lịch Trung Hoa hoặc theo sách “Thông Thắng” của Trung Quốc.

Sách Thông Thắng ( 通勝書 ) là quyển sách xem ngày giờ tốt để làm các việc trọng đại như cưới hỏi, xây nhà, gả vợ, khai trương, ma chay, động thổ, tân gia … Sách này có nguồn góc từ Trung Quốc và được những người Hoa ở Sài Gòn sử dụng để xem ngày tốt đám cưới.

Sách Thông Thắng - 通勝書
Sách Thông Thắng – 通勝書

Lễ đính hôn là một trong những phong tục cưới hỏi của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn không thể thiếu trước ngày cưới

Sau xác định được ngày cưới thông qua việc xem bói chọn ngày, lễ đính hôn thường sẽ được tổ chức vào một ngày lành trước ngày cưới không quá 10 ngày. Trong lễ đính hôn của người Hoa, lễ vật cưới sẽ được nhà trai mang sang nhà gái trong ngày đính hôn nên họ gọi ngày nay là ngày Qua Đại Lễ (過大禮). Lễ vật đàn trai cần mang qua cho đàn gái tương đối nhiều và phức tạp, số lượng cần lấy số chẵn vì họ quan niệm “việc tốt thành đôi”, mỗi sính vật đều mang ý nghĩa cát tường và may mắn riêng.

Sính lễ truyền thống trong phong tục cưới hỏi của người Hoa và người Quảng Đông ở Sài Gòn

Bánh cưới, heo quay, hải vị, một cặp gà, rượu, trà, trái cây, trầu cau, đôi nến long phụng là những vật không thể thiếu trong đám hỏi của người Hoa và người Quảng Đông.

Trong đó bánh cưới thường gồm: bánh long phụng, bánh bông lan, bánh lột da màu đỏ, bánh lột da màu vàng, bánh hạnh nhân, bánh da trứng. Ngoài ra, nhà trai còn phải chuẩn bị một hộp đựng trang sức và tiền lễ cho nhà gái.

Sính lễ cưới của người Hoa
Sính lễ cưới của người Hoa rất nhiều và đa dạng

Nhà gái khi nhận được lễ vật không được nhận hết, mỗi mâm quả phải hồi lại một ít cho đàn trai, heo quay thì gửi lại phần đầu và phần đuôi, đặc biệt là trầu cau nhà gái chỉ được nhận 1 trái, tất cả phần còn lại đều phải hồi về nhà trai, ý nghĩa là từ đầu đến đuôi chỉ có duy nhất một lang quân.

Riêng phần lễ vật nhà gái chuẩn bị cho đàn trai thường bao gồm: 2 củ sen, 2 trái lựu, quần tây, bóp, dây nịch, bánh chiên phồng, bánh đại phát và bánh xếp ngọt.

>>> Xem thêm: Mâm quả và sính lễ cưới của người Hoa có gì độc đáo?

Cô dâu tương lai dọn của hồi môn

Lễ đính hôn hoàn tất thì hôn sự xem như đinh đã đóng cột, đôi bên không được chối từ. Trước ngày thành hôn, người con gái còn phải dọn đồ đạc vật dụng sang nhà trai, mà người Hoa thường gọi là “dọn của hồi môn”. Trong các vật dụng cần mang sang nhà trai, cái bô đỏ là vật không thể thiếu, bô tượng trưng cho “thùng con cháu” của thời xưa, cũng có nghĩa mong muốn con cháu đầy đàn.

cô dâu người hoa trong trang phục truyền thống áo khỏa
cô dâu người hoa trong trang phục truyền thống áo khỏa

>>> Xem thêm: Của hồi môn cô dâu có ý nghĩa như thế nào?

Dán chữ hỷ, câu đối và chăn hỷ

Giai đoạn trước ngày cưới cũng có nhiều công tác cần chuẩn bị. Nhà trai, nhà gái tiến hành dọn dẹp trang trí nhà cửa, dán chữ song hỷ và câu đối, nhiều người mê tín dị đoan còn dán một đôi nĩa giấy màu đỏ chỉa ra ngoài để trừ tà đuổi quỷ, riêng đối với nhà trai còn phải treo lên tường những tấm “chăn hỷ đỏ” do họ hàng tặng cho.

Chữ Hỷ được dán ở cửa, ở trong phòng tân hôn
Chữ Hỷ được dán ở cửa, ở trong phòng tân hôn

Đêm trước ngày cưới, hai họ nhà trai nhà gái thường tổ chức riêng họp mặt bạn bè họ hàng, cùng nhau chung vui để nói lời tạm biệt với ngày cuối độc thân. Đêm ấy cũng chính là lúc nhiều tập tục nghi lễ quan trọng sẽ diễn ra.

An sàng

Trước tiên là tục “an sàng”, tức dọn dẹp bố trí giường tân hôn, người tiến hành nghi thức theo đúng nghĩa phải là người phúc hậu con cháu đầy đàn. Ngày nay, khâu này đa phần do bố mẹ chú rể đảm nhiệm, đương nhiên nếu họ là những người tốt số thì vẫn được xem là hội đủ điều kiện đảm nhận vai trò này.

Phong tục chảy đầu trước lễ cưới

Khi giờ lành đến, sẽ tiến hành “chải đầu”. Trước khi chải đầu theo tục lệ truyền thống phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước nấu lá bưởi để xả hết những gì xui xẻo, rồi thay quần áo giầy dép mới để tiến hành.

Tuy nhiên ngày nay việc tắm nước lá bưởi đã trở nên ít thấy, đa phần chỉ tắm bằng nước thường mà thôi. Người phụ trách chải đầu cho cô dâu chú rể cũng phải là người phúc hậu, thông thường sẽ chải 3 chải:

“một chải chải tới đuôi,

hai chải răng long đầu bạc,

ba chải con cháu đầy đàn”.

Phong tục trải đầu trước khi cưới của người Hoa
Phong tục trải đầu trước khi cưới của người Hoa

Chải đầu đánh dấu một bước ngoặc mới của đời người, đồng thời ẩn chứa những nguyện vọng tốt đẹp của bố mẹ dành cho con cái nên rất được sự yêu thích của mọi người. Ba chải hoàn tất, họ cùng quây quần với gia đình bạn bè ăn bánh trôi nước, tục chải đầu tới đây mới được xem như hoàn thành.

Trải đầu trước khi làm cô dâu là phong tục cưới hỏi của người Hoa
Phong tục trải đầu trước khi làm cô dâu

Ngày xưa, người con gái thường ít được trang điểm nên trước khi xuất giá cần phải cạo sạch lông mặt để có một gương mặt sáng sủa và trang điểm dễ hơn, cạo lông mặt từ đó trở thành một tục lệ bất thành văn trước ngày cưới, nhưng ngày nay nhiều chị em phụ nữ có thói quen trang điểm, lông mặt ít, việc cạo lông mặt trước ngày cưới cũng trở nên không cần thiết nữa.

Phong tục khóc trước ngày xuất giá

Theo tục xưa, cô dâu đợi xuất giá còn có tục khóc lóc mà người ta cho rằng “càng khóc càng phát”, tức càng khóc thì nhà gái sẽ càng tốt, nếu không thể tự khóc thì bằng mọi cách phải khiến cô dâu khóc.

cô dâu khóc khi xuất giá
Cô dâu khóc

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc khóc lóc thảm thiết như vậy đã không còn nữa, nếu có chăng cũng chỉ là vì xúc động khi nhìn lại công lao dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ khi sắp bước vào một giai đoạn trọng đại mới của cuộc đời hoặc đơn giản là vui sướng quá đỗi kìm không được cảm xúc nên khóc mà thôi, nếu như nói phải bắt buộc cô dâu khóc thì chắc chắn là điều không thể nào nữa rồi.

Lễ cưới của người Hoa và người Quảng Đông ở Sài gòn

Lễ nghênh thân hay còn gọi là lễ rước dâu

Trong ngày cưới, bố chủ rể sẽ mặc cho chú rể chiếc áo vest khoác và cài hoa lên áo, còn mẹ chú rể thì tận tay trao cho con trai đoá hoa cưới tươi thắm.

Trước khi lên đường rước dâu, bố mẹ đều sẽ cho chú rể lì xì lấy hên, lúc này chú rể phải cúi người cảm tạ. Ở đây cũng có một điểm đáng chú ý là trong đám cưới của người Hoa, bố mẹ đàn trai cũng như đàn gái đều sẽ không tham gia vào quá trình rước dâu, vì họ quan niệm nếu để người lớn tuổi đích thân đi rước về, cô dâu sẽ bị giảm phúc tổn thọ.

Đoàn rước dâu đa phần là họ hàng gần và các bạn nam của chú rể. Trong suốt hôn lễ, cô dâu và chú rể khi ra hoặc vào cửa đều phải chú ý bước qua ngạch cửa, vì đạp phải ngạch cửa không may mắn.

Phong tục phát lì xì của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn

Cũng xin nói thêm, trong đám cưới người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn đặc biệt yêu thích lì xì, đối với họ lì xì là biểu tượng của sự may mắn, vì thế hai nhà trai gái thường không thể bỏ qua giai đoạn phát lì xì cho những người khách đến tham dự lễ cưới.

Cả nhà trai và nhà gái đều chuẩn bị rất nhiều lì xì để phát trong đám cưới của người Hoa

Khi rước dâu, người Quảng Đông thường thích đi đường vòng, đường đi đường về không giống nhau, có thể đi đây đó chụp hình rồi mới về nhà trai, nghe đâu như thế có thể giúp cho nhà trai chuyển vận gặp may.

Khi xe cưới đến nhà gái, em trai hoặc không có em trai thì em họ cô dâu sẽ giúp chú rể mở cửa xe, sau đó dâng trà cho chú rể, chú rể uống xong trà thì cho em vợ lì xì, thông thường thì trước lễ cưới chú rể còn phải mua tặng cho em trai cô dâu một đôi giày mới nữa.

Trước đây, đám cưới của người Hoa truyền thống cần phải mời bà mai về giúp đỡ và chỉ bảo các lễ nghi phép tắc, nhưng về sau này trong địa bàn thành phố lại dấy lên phong trào thợ quay phim kiêm cả vai trò của bà mai, vừa quay phim vừa làm tổng đạo diễn cho cả hôn lễ, tất nhiên bao lì xì dành cho người này cũng phải dày hơn so với những người khác.

>>> Xem thêm: 5 điều không thể bỏ qua khi trao bao lì xì

Phong tục chặn cửa trong đám cưới của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn

Nghe tin đoàn rước dâu đến nơi, chị em bạn bè bên đàn gái liền đóng chặt cửa, thậm chí khoá chốt cẩn thận đồng thời cử một số người nữ đứng ngoài cửa “tác chiến”, họ sẽ nghĩ ra đủ trò để chọc phá làm khó chú rể, nào là yêu cầu hát tình ca, uống nước, ăn bánh, ăn chuối, cầm bình sữa uống, thậm chí là hít đất…

Phong tục chặn cửa trong đám cưới của người Hoa tại Sài Gòn
Phong tục chặn cửa trong đám cưới của người Hoa tại Sài Gòn

Lúc này chú rể có thể yêu cầu sự “viện trợ” của các bạn nam trong đoàn. Làm khó vẫn chưa đủ, họ còn phải yêu cầu chú rể cho lì xì, đôi bên trả giá qua lại cho đến khi đàn gái cảm thấy vừa lòng mới chịu mở cửa.

Tiền lì xì thường lấy con số 9 (trường cửu) hoặc 8 (phát tài) và được chia đều cho chị em phụ nữ tham gia chặn cửa. Sau khi vào được cửa, chú rể sẽ cùng cô dâu cúng bái thần phật tổ tiên rồi tiến hành dâng trà và mời bố mẹ họ hàng gần ăn “hỷ quả” (các loại mứt quả mang ý nghĩa may mắn: hạt sen, táo đỏ, mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa,…), họ sẽ mừng lại cho cặp đôi tân hôn bằng lì xì hoặc trang sức.

Phong tục cầm dù, tung gạo và chui quần anh trai

Ngày nay, tục đút cô dâu ăn cơm đùi gà trước khi xuất giá và cõng cô dâu ra cửa gần như biến mất. Tuy nhiên, việc mời một người phúc hậu cầm dù che cho cô dâu và một người khác đi theo sau tung gạo thì vẫn còn là cảnh tượng thường thấy trong hôn lễ người Hoa hiện nay.

Ngoài ra, nếu cô dâu hoặc chú rể đám cưới trước hơn người anh trai của mình, mà người Quảng Đông gọi là: “leo qua đầu”, thì khi ra hoặc vào cửa đôi vợ chồng mới cần phải bước qua chiếc quần của người anh trai được treo trên cửa chính. Hiện giờ, có người cảm thấy mất thẩm mỹ nên treo quần trên cửa phòng riêng, cũng có người không thích rườm rà bèn dùng cách tặng quần mới cho anh trai để thay thế.

Khi cô dâu đến nhà trai, đúng ra còn phải bước qua thau lửa để tẩy sạch ô uế và xui xẻo trước khi vào nhà chồng, hiện khâu này cũng đã trở nên hiếm thấy. Sau đó, cô dâu thường sẽ thay bộ đầm long phụng truyền thống màu đỏ để cử hành nghi lễ.

Dâng trà nàng dâu, mời ăn hỷ quả trong phong tục cưới hỏi của người Hoa

Khi vào phòng tân hôn, hai người sẽ đút nhau ăn bánh trôi nước cầu hôn nhân mỹ mãn hoặc ăn chè hạt sen cầu con, cũng có người mong “sớm sinh quý tử”, cố tình cho trẻ con lên giường chơi đùa chạy nhảy một hồi hoặc thậm chí cho trẻ tiểu lên giường và lấy đồ hứng lại, đương nhiên tỷ lệ tiểu lên giường là rất hiếm và hiện nay đã hoàn toàn biến mất.

Các nghi lễ cúng bái thần thánh tổ tiên cũng như việc dâng trà và mời cha me họ hàng gần ăn “hỷ quả” được tiến hành tương tự như bên nhà gái, và được xem là các bước quan trọng nhất trong hôn lễ của người Hoa. Sau khi bố mẹ chồng uống xong ly trà nàng dâu, cô dâu mới chính thức được xem là một thành viên trong gia đình nhà trai.

Tiệc rượu hoặc tiệc cưới tại nhà hàng.

Hoàn thành các nghi lễ trên coi như lễ cưới được tiến hành hơn phân nửa, phần còn lại cũng không kém quan trọng chính là buổi tiệc rượu mừng thường được tổ chức vào buổi tối tại nhà hàng tiệc cưới.

Đa số các tiệc cưới của người Hoa tại Sài Gòn thường được tổ chức tại các nhà hàng theo phong cách của người Hoa tại khu vực quận 5 hoặc quận 6. Rất ít người Hoa tổ chức tiệc cưới tại khu vực khác.

Mở đầu tiệc rượu, gia đình hai họ sẽ tiến lên sân khấu ra mắt khách mời, đôi vợ chồng mới rót rượu sâm banh mời bố mẹ hai nhà, sau đó quàng tay nhau cùng uống “rượu giao bôi”, rồi cùng cắt bánh kem cưới.

Trong bữa tiệc, cô dâu chú rể cần phải đi đến từng bàn tiệc một để kính rượu khách mời và tiếp nhận lời chúc từ họ. Hôn lễ được chính thức khép lại khi tiệc cưới kết thúc.

Sau hôn lễ

Sau lễ cưới, tục “Náo động phòng”, tức phá cô dâu hầu như đã không còn nữa. Tục “tam triều hồi môn”, tức cô dâu ba ngày sau đám cưới cùng chồng về thăm bố mẹ thì vẫn được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên hiện nay hồi môn thường được tiến hành ngay trong ngày cưới, vào buổi chiều sau khi các nghi lễ ở nhà trai hoàn tất.

Xưa kia, lúc hồi môn thường mang theo nhiều lễ vật, lễ vật càng nhiều càng cho thấy con gái được nhà chồng cưng chiều, nay lễ vật thường là 2 cây mía dài, tượng trưng cho hôn nhân ngọt ngào và bánh cưới mà nhà trai còn dư lại.

Đánh giá chung về phong tục cưới hỏi của người Hoa và người Quảng Đông tại Sài Gòn

Nhìn chung, phong tục cưới hỏi của Hoa nói chung và người Quảng Đông nói riêng vô cùng phong phú đa dạng, và đặc sắc. Nó mang đậm màu sắc truyền thống Trung Hoa.

Cho đến nay, những người Hoa nói chung và người Quảng Đông nói riêng tại Sài Gòn vẫn rất xem trọng các tập tục cưới hỏi truyền thống của mình, đặc biệt là các nghi thức mang tính chúc phúc, cầu may và cầu con. Những tập tục trên đã được họ kế thừa và gìn giữ tương đối tốt theo thời gian. Riêng các tập tục cổ hủ được họ đơn giản hoá hoặc lược bỏ, được biết nguyên nhân chủ yếu là do các tục ấy đều mang tính chất hoặc rườm rà phức tạp và không còn phù hợp với thời đại nữa.

Một số từ tiếng Quảng Đông liên quan đến cưới hỏi cần biết cho những bạn lấy vợ và lấy chồng người Hoa

Đây là một số từ tiếng Quảng Đông phổ biến trong đám cưới của người Hoa. Bạn nào chuẩn bị lấy chồng hoặc lấy vợ người Hoa nên học 1 chút.

Lưu ý một tí bạn nào đọc không quen dễ bị lẹo lưỡi ráng chịu nhé.

Đám cưới được gọi là Kịt Phánh.
Đính Hôn được gọi là Co Tài Lậy – 過大禮 hoặc là Tìng Phánh – 訂婚
Lễ coi mắt được gọi là Suyệt Chánh – 說 親
Lễ rước dâu được gọi là Chịp Sấm Pụ.
Lễ nghinh thân gọi là Dìn chánh
Cô dâu gọi là Sấm Pụ hoặc Sấm Niềng
Chú rể gọi là Sấm Lòn Có
Tục chảy đầu gọi là Só Thầu
Tục chặn cửa gọi là Làn Mùn
Lì xì gọi là Lầy Xìa
Rót trà gọi là Chấm Chà
Rót rượu gọi là Chấm Chẩu
Ba mẹ gọi là A Pà , A Má
Anh chị gọi là A Có, A Ché
Chú gọi là A Súc
Bác gọi là A Bạc
Dọn của hồi môn gọi là Pún Ca Chón

>>> Xem thêm: LỄ CƯỚI XƯA VÀ NAY CỦA ĐỒNG BÀO NGƯỜI HOA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bonus: những trò chọc phá chú rể trong tục chặn cửa trong đám cưới của người Hoa tại Sài Gòn

Để có thể gặp được cô dâu, chú rể phải trải qua những yêu cầu của bên nhà gái. Nếu thực hiện hết các yêu cầu này thì chú rể mới được mọi người mở cửa và gặp cô dâu.

Trò đầu tiên là trò đòi lì xì mới mở cửa, thông thường những người bên nhà gái đòi tiền lì xì là 888.000 đồng hoặc 999.000 đồng. Tốt nhất chú rể nên chuẩn bị trước

Đòi lì xì
Đòi lì xì
Chú rể người Hoa nên chuẩn bị trước tiền lì xì nếu muốn qua ải
Chú rể người Hoa nên chuẩn bị trước tiền lì xì nếu muốn qua ải

Trò tiếp theo làm khó chú rể và đoàn nhà trai rước dâu là bắt hít đất

Phải hít đất theo yêu cầu nhà gái mới được mở cửa gặp cô dâu
Phải hít đất theo yêu cầu nhà gái mới được mở cửa gặp cô dâu

Trò nặng hơn là bắt chú rể dán băng keo vào chân và lột ra.

Trò dán băng keo lên chân chú rể

Một trò nữa là nhẹ nhàng hơn là bắt chú rể và đoàn nhà trai đeo đạo cụ để hát và nhảy múa

Đeo đạo cụ hát và nhảy múa nếu muốn qua ải gặp cô dâu
Đeo đạo cụ hát và nhảy múa nếu muốn qua ải gặp cô dâu

Một trò nữa là bắt ăn bánh ngọt kẹp mù tạt. Ăn xong mới được qua ải

Trò ăn bánh kẹp mù tạt
Trò ăn bánh kẹp mù tạt

Khi gặp được cô dâu, chú rể còn phải thực hiện thêm 1 yêu cầu nữa là phải bồng bế cô dâu

Khi gặp được cô dâu, chú rể còn phải thực hiện thêm 1 yêu cầu nữa là phải bồng bế cô dâu

>>> Xem thêm: Chọn lễ phục hoàn hảo cho chú rể trong ngày cưới

>>> Xem thêm: Cưới vợ cần bao nhiêu tiền mới đủ làm đám cưới

, , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

18 bình luận trong “Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn

  1. Bữa mới được mời ăn đám ở nhà hàng Á Đông. Tiệc cưới MC giới thiệu chương trình bằng tiếng hoa xí xa xí xào. Chẳng hiểu gì cả

  2. Thiệt là một bài viết rất xác với thực tế của phong tục cưới hỏi của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Những điều bạn viết rất đúng nhưng ngoài người Quảng Đông, còn có rất nhiều người Tiều tại khu vực quận 6 đang làm ăn rất phát triển và rất giàu có. Thậm chí còn giàu hơn nhiều người Quảng Đông nữa. Họ làm trong những ngành nghề như ngành nhựa, thương mại sản xuất và nhà hàng nữa.

    Về bản chất thì đúng là người Tiều rất tằn tiện, chắc vì tằn tiện nên họ giàu lên từ từ. Mà không hiểu sao người Tiều biết nói tiếng Quảng Đông mà người Quảng Đông không nói được tiếng Tiều. Mình là người Quảng Đông hồi đó có đi làm cho một công ty có ông chủ người Tiều ở quận 6. Tiếng Quảng Đông ổng nói được một chút, còn mình thì chỉ học được đúng 1 câu tiếng tiều của ổng là chẹc bần (ăn cơm) thiệt là không công bằng

  3. “một chải chải tới đuôi,

    hai chải răng long đầu bạc,

    ba chải con cháu đầy đàn”.

    Cái này y chang như coi phim hongkong tvb

  4. Phong tục người Hoa và người Việt tương đối giống nhau trong đám cưới. Trong ngày cưới, họ đều dán chữ song hỷ khắp nhà . Riêng người Hoa thì có thêm nhiều phong tục lạ, mình lần đầu tiên mới nghe luôn

  5. Có một số điều mình muốn chia sẻ về bánh cưới của người Hoa. Bánh cưới của người Hoa so với bánh cưới của người Việt có những sự khác biệt rất lớn.

    Đầu tiên hết, xin kể về các loại bánh cưới của người Việt. Trong nghi thức cưới truyền thống của người Việt thì đàn trai sẽ mang sính lễ đựng trong các tráp cưới sang đàn gái. Những sính lễ này bao gồm rất nhiều thứ như trầu cau, rượu ,trà, bánh, trái cây …. Nói về bánh thì đám cưới của người Việt phải có bánh phu thê. Ngoài ra tùy vùng miền mà có thêm những loại bánh khác nhau. Như ở miền Nam có bánh pía, còn ở miền Bắc thì có bánh cốm …

    Còn trong đám cưới của người Hoa, bánh là một sính lễ cưới cực kỳ quan trọng và phổ biến. Có thể nói, không có cái đám cưới nào của người Hoa mà có thể thiếu bánh trong sính lễ được. Những loại bánh trong sính lễ cưới của người Hoa rất đa dạng. Nếu bạn hay coi phim Hongkong của TVB thì chắc các bạn cũng biết là có loại bánh tên là bánh bà xã. Loại bánh này nghe tên cũng biết là bánh dùng để rước bà xã về trong đám cưới rồi.

    Còn đối với người Hoa ở Sài Gòn, đặc biệt là những người Hoa sinh sống trong khu vực quận 5, quận 6, quận 11. Đám cưới của họ lúc nào cũng phải có sính lễ là bánh. 4 Loại bánh bắt buộc phải có trong lễ đính hôn khi mà nhà trai mang sính lễ sang nhà gái đó là: Bánh Long Phụng, Bánh Hoa Mai (một loại bánh bông lan), bánh lột da vàng, bánh lột da hồng. Sau khi nhà gái nhận bánh của nhà trai xong sẽ chia bánh ra thành từng phần và đem tặng cho họ hàng, bà con của bên nhà gái.

    Đây là tục lệ cưới rất truyền thống của những người Hoa mà cho đến hiện nay họ vẫn còn thực hiện rất thường xuyên

  6. Hôm đi đón dâu, cô dâu thường là mặc áo đỏ để tỏ ra sự vui mừng, may mắn. Khi cô dâu bước ra cửa, vừa đi vừa khóc, tỏ ý lưu luyến không rời. Lúc cô dâu bước ra cổng cũng không được quay đầu lại nhìn, mà phải đi thẳng. Còn ba mẹ cô dâu sẽ đứng ở cổng nhà nhìn theo và sẽ không đi theo qua nhà chồng.Cô dâu đến nhà chồng, thì bắt đầu nghi thức hôn lễ. Ở một số nơi, cô dâu phải bước qua chậu lửa trong sân, để đốt hết những điều xúi quẩy, để cuộc sống sau này được đầm ấm, hạnh phúc. Sau khi cô dâu bước vào nhà chồng, phải làm hết nghi thức này đến nghi thức khác.,

    Thứ nhất là Nhất bái thiênđịa (lạy tạ trời đất),

    thứ hai làNhị báicao đường ( lậy tạ cha mẹ),

    thứ ba là Phu thê giao bái (vợ chồng lạy tạ nhau).

    Sau đó uống chén rượu trao nhau. Trong căn nhà mới, cô dâu và chú rể còn cắt tóc của nhau, rồi để lẫn với nhau cất đi để làm vật tín trong quan hệ vợ chồng .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *