Vì sao người ta hay dán chữ Song Hỷ trong đám cưới?

Trong những lễ cưới hỏi, người ta thường dán chữ Song Hỷ lên cửa, và các vật dụng. Tại sao lại phải dán chữ Song Hỷ như vậy? Ý nghĩa của chữ Song Hỷ là như thế nào?

Chữ Hỷ có ý nghĩa gì?

Hỷ là một từ tiếng Việt được mượn âm từ tiếng Hoa. Về ý nghĩa, Hỷ trong tiếng Việt và tiếng Hoa đều có nghĩa là chuyện vui . Nhà có Hỷ là nhà có chuyện vui. Do sự hòa nhập về văn hóa Trung Quốc và Việt Nam nên ngày nay chữ Hỷ được người Việt sử dụng rất nhiều, đặc biệt là trong những dịp lễ cưới hỏi.

Ngoài ra, Hỷ còn được nhiều người dùng để đặt tên cho thương hiệu của công ty, và đặt tên cho con cái của mình nữa. Nếu bạn ở Sài Gòn và hỏi tiệm bánh nổi tiếng nhất của người Hoa ở Quận 5 là tiệm nào thì chắc chắn câu trả lời là tiệm bánh Hỷ Lâm Môn (Hỷ Lâm Môn có nghĩa là chuyện vui đang đến). Còn bạn hay xem phim Hongkong, chắc bạn cũng biết một diễn viên nổi tiếng có đôi mắt một mí nhỏ xíu tên là Vương Hỷ hay đóng vai cảnh sát .

Hoặc lâu lâu bạn cũng có thể bắt gặp những câu nói có chữ Hỷ như: “nhà có hỷ sự”, “Cung Hỷ Cung Hỷ” hay những câu nói chúc tết như “Cung Hỷ Phát Tài” …

Chữ Hỷ trong tiếng quan thoại được phát âm là Xi, còn trong tiếng Quảng Đông thì vẫn được phát âm là Hỷ. Chữ viết tiếng Hoa là .

Song Hỷ là gì? Ý nghĩa của chữ Song Hỷ?

Song Hỷ có nghĩa là hai chữ Hỷ. Tiếng quan thoại được đọc là Shuang xi, còng tiếng Quảng Đông đọc là Shuang Hỷ. Chữ viết tiếng Hoa là 囍. Song Hỷ có ý nghĩa là cùng một lúc có hai chuyện vui đến với gia đình.

Nhà nào mà trên cửa ra vào hay các cửa sổ có dán chữ Song Hỷ màu đỏ, thì người ta đều biết ngay rằng ở nhà đó sắp có chuyện vui. Tương truyền rằng việc dán chữ Song Hỷ trong đám cưới có xuất phát từ phong tục truyền thống từ bên Trung Quốc ảnh hưởng đến văn hóa của dân Việt Nam ta.

Chữ Song Hỷ dán trong phòng Tân Hôn
Chữ Song Hỷ dán trong phòng Tân Hôn

Nguồn góc của chữ Song Hỷ

Dán chữ Hỷ trong đám cưới có thể được bắt đầu từ thời nhà Tống bởi một nhà chính trị lớn của thời ấy là Vương An Thạch.

>>> Xem thêm: Vương An Thạch là ai?

Truyền thuyết kể rằng, hồi Vương An Thạch còn trẻ, lên kinh thành đi thi, trên đường lên kinh thành có đi qua một nơi gọi là Mã Gia Trấn. Tại trấn này có một nhà tài chủ họ Mã, trước cửa nhà treo một cây đèn kéo quân, trên cái đèn viết mấy chữ:

Tẩu Mã Đăng, Đăng Mã Tẩu, Đăng Tức Mã Đình Bộ

(nghĩa là đèn kéo quân, ngựa đèn chạy, đèn tắt ngựa dừng bước)

Cây đèn này đã làm người ta hết sức chú ý, Vương An Thạch cũng vì thế mà ghi nhớ trong đầu. Vào ngày hôm sau, ở trong trường thi, Vương An Thạch là người đầu tiên làm bài hoàn tất và nộp quyển. Quan coi thi thấy ông làm bài nhanh thần tốc như thế, muốn thủ sức làm câu đối của ông xem sao. Ông bèn chỉ lá cờ thêu hình con hổ bay treo ở trước cửa và ra câu đối:

Phi hổ kì, kì hổ phi, kì quyền hổ tàng thân

(Cờ hổ bay, hổ trên cờ bay, cờ cuốn hổ náu mình)

Vương An Thạch nhớ tới những chữ viết trên cây đèn kéo quân bèn lấy ngay làm vế thứ hai của câu đối, ông lập tức đối luôn.

Tẩu Mã Đăng, Đăng Mã Tẩu, Đăng Tức Mã Đình Bộ

Quan coi thi thấy Vương An Thạch làm vế thứ hai của câu đối cũng thần tốc như cách ông làm bài thi nên càng khen ngợi ông nhiều hơn.

Sau khi thi xong, Vương An Thạch đi về nhà và lại phải đi qua Mã Gia Trấn. Ông hỏi thăm thì biết rằng tài chủ họ Mã vốn có một cô con gái yêu chưa có chồng. Câu đối trên cây đèn chính là bài thi mà người tài chủ họ Mã đưa ra để kén rể.

Sau khi biết như thế, Vương An Thạch lại đem vế đối của viên quan coi thi ra để đối lại câu đối trên cây đèn. Ông viết nó ra giấy và đưa cho người tài chủ họ Mã xem. Tài chủ họ Mã sau khi xem xong tỏ ra vui mừng khôn xiết, lập tức hứa gã con gái cho Vương An Thạch.

Không lâu sau, Vương An Thạch kết hôn cùng với cô gái của người tài chủ họ Mã. Trong ngày cô dâu và chú rể làm lễ lạy trời đất thì có quan sai đến báo tin: “Vương đại nhân thi đỗ rồi”.

Bản thân Vương An Thạch nghĩ rằng mình may mắn lấy được vợ qua việc đối câu đối tại Mã Gia Trấn đã là một chuyện vui rồi. Nay lại có tin mình thi đậu, tên được nêu trên bảng vàng lại là một chuyện vui nữa.

Nghĩ thế, ông bèn lấy một tờ giấy đỏ, viết lên đó hai chữ Hỷ gần nhau và ông gọi đó là từ Song Hỷ 囍. Nghĩa là chuyện vui được nhân đôi hoặc là hai chuyện vui đến cùng một lúc.

Chữ Song Hỷ được dán trên sính lễ cưới
Chữ Song Hỷ được dán trên sính lễ cưới

Chữ Song Hỷ trong đám cưới tại Việt Nam

Vì chữ Song Hỷ này biểu hiện đầy đủ nhất không khí vui mừng trong đám cưới, cho nên trong các lễ cưới người ta đều dán chữ Song Hỷ màu đỏ thắm lên các cánh cửa ra vào, cửa sổ, các bức tường và thậm chí trong các lễ vật cưới.

Phong tục này được người Hoa di cư từ Trung Quốc mang sang Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều đám cưới, lễ cưới, lễ thành hôn, tân hôn, vu quy tại Việt Nam đều rất chuộng việc dán chữ Song Hỷ để trang trí và biểu thị cho niềm vui của gia đình mình.

Chữ Song Hỷ trên bàn thờ gia tiên ngày cưới
Chữ Song Hỷ trên bàn thờ gia tiên ngày cưới

Người Việt dán chữ Song Hỷ với mong muốn rằng ngoài chuyện vui là đám cưới của cả 2 gia đình thì họ còn có thể may mắn có được một chuyện vui khác nữa. Nghĩa là hai chuyện vui sẽ đến cùng một lúc, ví dụ như là sẽ sớm sinh được quý tử sau khi cưới hoặc là sau khi cưới hai vợ chồng làm ăn phát đạt, trúng số có tiền tài ….

Song Hỷ nên dán ở đâu khi tổ chức lễ cưới

Thật ra không có một quy định cụ thể nào trong việc dán chữ song hỷ trong lễ cưới. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tự do trang trí chữ song hỷ ở bất kỳ chỗ nào ta cảm thấy đẹp và phù hợp.

Trong các lễ cưới, Song Hỷ được xuất hiện gần như khắp nơi. Nó được dán trên cửa ra vào, dán trên tường, dán trên bàn thờ gia tiên, trên những sính lễ cưới, trên bao lì xì, trên những mâm trái cây, trong phòng ngủ tân hôn của cô dâu chú rể.

trái cây ngũ quả
Song Hỷ được dán trên trái cây trong tráp ngũ quả
Chữ Song Hỷ xuất hiện trên các khăn phủ màu đỏ của tráp cưới
Song Hỷ xuất hiện trên các khăn phủ màu đỏ của tráp cưới
Chữ Song Hỷ được in trên hộp bánh cốm và bao lì xì
Chữ Song Hỷ được in trên hộp bánh cốm và bao lì xì
Chữ Song Hỷ được dán lên những quả cau
Song Hỷ được dán lên những quả cau
Chữ Song Hỷ được đổ thành khuôn xôi gấc trong tráp xôi
Song Hỷ được đổ thành khuôn xôi gấc trong tráp xôi
Chữ Song Hỷ xuất hiện trên mặt bánh pía trong tráp bánh bía
Song Hỷ xuất hiện trên mặt bánh pía trong tráp bánh bía

Chữ Hỷ trong thiết kế thiệp cưới

Trong thiệp cưới, đặc biệt là những kiểu thiệp cưới được thiết kế theo phong cách truyền thống thì không thể thiếu chữ Song Hỷ trên thiệp. Những nhà thiết kế thiệp đã cách điệu chữ Song Hỷ với nhiều hình dáng khác nhau như hình tròn, hình vuông, hình trái tim …

Chữ Song Hỷ được cách điệu và dán khắp nơi trong nhà khi có lễ cưới
Chữ Song Hỷ được cách điệu và dán khắp nơi trong nhà khi có lễ cưới

Ngoài ra người ta còn kết hợp hình long phụng, và hoa văn trung hoa cổ kính lên chữ Song Hỷ để tạo thành kiểu thiệp cưới thật trang trọng và truyền thống.

Tuy có nhiều cách điệu chữ Hỷ nhưng màu đỏ luôn làm màu được các nhà thiết kế thiệp giữ nguyên cho những kiểu thiệp cưới truyền thống.

Thiệp cưới truyền thống
Thiệp cưới truyền thống luôn có màu đỏ và chữ Song Hỷ

Bởi vì màu đỏ luôn được cho là màu của chuyện vui, màu của Hỷ sự, nên kết hợp với chữ Hỷ luôn là sự kết hợp tuyệt vời nhất.

>>> Xem thêm: Phong tục cưới hỏi độc đáo của người Hoa tại Sài Gòn

>>> Xem thêm: 4 tông màu trang trí lễ gia tiên thịnh hành nhất hiện nay

, , , , , , , ,

2 bình luận trong “Vì sao người ta hay dán chữ Song Hỷ trong đám cưới?

  1. Nếu hiểu đúng thì chữ song hỷ là hai chuyện vui đến song song với nhau. Nó có yếu nghĩa trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ trong đám cưới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *