Những sắc màu đặc trưng trong đám cưới người miền Tây

Cũng giống như người dân miền Tây, đám cưới người miền Tây rất mộc mạc, chất phác và mang nét đặc trưng độc đáo của vùng sông nước Nam Bộ.

Điểm qua vài nét về miền Tây

Phân biệt miền Tây và miền Đông Nam Bộ

Miền Tây hay người miền Tây đó là cách gọi thân thiết của khu vực miền Tây Nam Bộ. Khu vực miền Nam của Việt Nam được chia thành 2 miền là miền Đông và miền Tây. Miền Đông gồm có thành phố Hồ Chí Minh là thành phố phát triển nhất Việt Nam và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu.

Miền Đông ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghiệp, riêng thành phố Hồ Chí Minh thì tập trung các lĩnh vực tài chính, thương mại. Cuộc sống của khu vực miền Đông là lối sống công nghiệp, sống nhanh trái ngược hẳn với khu vực miền Tây nơi mà chủ yếu phát triển các lĩnh vực về nông nghiệp và ngư nghiệp.

Đặc trưng của miền Tây

Khu vực miền Tây bao gồm 13 tỉnh thành bắt đầu từ Long An kéo dài đến mũi Cà Mau. Đặc điểm địa lý của khu vực miền Tây là sông ngòi chằng chịt, người dân thường xuyên đi lại bằng đường thủy. Miền Tây với dòng sông Cửu Long bồi đắp phù sa nên đất đai màu mỡ rất thuận tiện trong việc phát triển các ngành nông nghiệp.

Tại miền Tây, người ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng xanh ngát, cò bay thẳng cánh. Miền Tây nổi tiếng là vựa lụa gạo lớn nhất cả nước. Tại đây, lúa gạo không những phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

13 tỉnh khu vực miền Tây
13 tỉnh khu vực miền Tây

Vào xứ miệt vườn là những vườn trái cây trĩu quả với nhiều chủng loại khác nhau. Những loại cây ăn trái trồng tại khu vực miền Tây đặc biệt hợp thổ nhưỡng nên cho ra trái to và ngọt hơn những vùng đất khác. Không những thế, các con sông đan xen nhau mang lại cho người miền Tây cơ man nào về cá tôm và thủy sản.

Có lẽ vì sự trù phú đó mà tính cách của người miền Tây khá hào phóng, thật thà và đôn hậu. Những tính cách này được người dân mang vào trong cuộc sống, mang vào trong những nghi lễ và mang vào trong cả đám cưới của người miền Tây nữa.

Những sắc màu độc đáo trong đám cưới của người miền Tây

Có lẽ không có nơi nào mà đám cưới lại có nhiều nét khác lạ và độc đáo như ở miền Tây. Sự độc đáo trong đám cưới của người miền Tây xuất phát từ địa hình, địa lý cũng như bản chất, tính cách của người dân nơi đây.

Lễ rước dâu độc đáo trong đám cưới người miền Tây

Rước dâu là nghi thức hầu như vùng miền nào của Việt Nam cũng cử hành. Lễ rước dâu là nghi lễ đưa cô dâu từ nhà gái về nhà chồng. Nghi lễ này được tổ chức khá long trọng và cô dâu sẽ thường được rước bằng xe hoa.

Tuy nhiên, vì địa hình miền tây là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt nên đoàn rước dâu thường di chuyển bằng đường thủy thay vì đường bộ cho tiện lợi. Chính vì thế, phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe, là xuồng thay vì rước bằng xe hoa. Chiếc ghe dùng để rước dâu cũng được kết hoa, trang trí khá đẹp mắt không kém gì xe hoa đâu nhé. Vào ngày cưới, người dân hai bờ sông tụ tập ra xem đám rước dâu làm náo nhiệt cả một vùng sông nước mênh mông. Người ở vùng khác có người sợ đi ghe, nhưng đối với cô dâu, chú rể thì đây là một phương tiện di chuyển quen thuộc hàng ngày của họ. Thậm chí, cô dâu, chú rể còn có thể nổ máy và điều khiển ghe một cách điêu luyện nữa.

Rước dâu bằng ghe tại miền tây
Rước dâu bằng ghe tại miền tây

Ở một số đám cưới, khi đám rước dâu về đến bên nhà trai, cô dâu và chú rể bước xuống ghe và còn phải đi qua những cây cầu khỉ gập ghềnh khó đi. Đối với người miền Tây, đi cầu khỉ là chuyện nhỏ vì họ đi như vậy từ khi còn bé đến lớn rồi nên không ăn nhằm gì. Chỉ có những khách mời từ phương xa mới cảm thấy đây là một thử thách không hề đơn giản khi ăn đám cưới ở miền Tây.

Rước dâu qua cầu khỉ ở miền Tây
Rước dâu qua cầu khỉ ở miền Tây

Trang trí đám cưới ở miền Tây

Người miền Tây thích sử dụng các loại tre và lá để đan lại với nhau để trang trí đám cưới và làm rạp cưới. Nếu có dịp đi miền Tây mà thấy nhà nào đang cưa tre, bẻ lá để làm rạp cưới thì chúng ta có thể dễ dàng đoán ra nhà đó sắp có đám cưới.

Rạp cưới của người miền Tây

Rạp cưới được dựng bằng tre được làm khá công phu. Ngoài ra, người ta còn sử dụng các loại lá và hoa cau để kết hợp trang trí cho rạp cưới nên khi hoàn thành nhìn rất là bắt mắt. Lối đi vào rạp cưới sẽ là một cổng hoa. Cổng hoa được làm từ các loại lá chuối, tàu lá dừa, tàu lá dừa nước. Giữa cổng hoa nhà gái treo tấm bảng Vu Quy. Còn cổng hoa nhà trai thì treo bảng Tân Hôn.

Công hoa trong đám cưới của người miền tây
Công hoa trong đám cưới của người miền tây

Nghi lễ quan trọng trong đám cưới của người miền Tây

Có thể nói nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người miền Tây chính là nghi thức lên đèn. Ngày xin dâu, ngoài các mâm quả trầu cau, trái cây, các loại bánh, nữ trang … thì lúc nào nhà trai cũng phải mang sang một cặp nến long phụng để nhà gái thực hiện nghi thức lên đèn.

Nến long phụng
Nến long phụng

Nghi thức lên đèn chính là nghi thức mà nhà gái thông báo cho tổ tiên nhà gái về lễ cưới của gia đình. Đồng thời cũng giới thiệu đến tổ tiên chàng rể, người mà sẽ rước cô con gái về làm vợ. Để thực hiện nghi, đại diện bên nhà gái sẽ tuyên bố cử hành lễ lên đèn và khui 2 cây đèn long phụng nhà trai mang sang. Có thể người đại diện hoặc cũng có thể là cô dâu, chú rể sẽ thắp sáng 2 ngọn đèn long phụng. Cô dâu và chú rể sẽ cùng vái lại và cắm cặp đèn này lên bàn thờ gia tiên của nhà gái.

Lễ lên đèn
Lễ lên đèn

Khi thắp đèn thì 2 cây đèn phải cháy thong dong và đều nhau. Nếu cháy một bên cao, một bên thấp thì chú rể sẽ bị cho là người sợ vợ, còn cô dâu được dự đoán là sẽ lấn át chồng.

Những kiêng kỵ trong món ăn tiệc cưới của người miền Tây

Nói đến đặc sản của miền Tây không thể không kể đến các món mắm như là mắm ruốc, mắm kho, mắm cá linh, mắm các sặc, … và đặc biệt là lẩu mắm. Cũng không thể không kể đến các món canh đậm chất miền Tây trong bữa cơm như là canh chua, canh đắng … Mặc dù những món này thuộc loại đặc sản nhưng nó không bao giờ xuất hiện trên bàn tiệc cưới của người miền Tây. Lý do là người miền Tây cũng có chút mê tín. Họ cho là những loại mắm rất nặng mùi, còn các loại canh lại mang vị chua, vị đắng. Những mùi vị này không thích hợp cho đám cưới, nơi mà cần sự ngọt ngào, đầm ấm và chân tình.

Người miền Tây chọn lẩu hải sản thay vì lẩu mắm trong thực đơn tiệc cưới
Người miền Tây chọn lẩu hải sản thay vì lẩu mắm trong thực đơn tiệc cưới

Một món khá nổi tiếng của miền Tây nữa chính là cá lóc nướng trui. Nếu có 10 người đi du lịch miền Tây là hết 9 người gọi món này rồi. Hương vị của món này khiến cho bất kì du khách nào khi đã thưởng thức đều cảm thấy thích thú. Cá lóc được tẩm ướp gia vị đậm đà sau đó đem nướng trực tiếp trên than hoa nên hương vị ngon hơn rất nhiều. Sau khi nướng sẽ ăn kèm cùng với rau sống hoặc cuốn với bánh tráng, rau cải rồi chấm với mắm nêm hoặc mắm me, mắm tỏi ớt hay đơn giản như muối chanh cũng rất ngon miệng.

Nhưng cũng giống như món mắm và món canh, cá lóc nướng trui không bao giờ xuất hiện trong thực đơn tiệc cưới của người miền Tây. Họ nói là hình ảnh con cá bị nướng đen thui không mang lại vượng khí cho đám cưới. Không những thế, họ còn sợ nó kéo những điều xui xẻo, vận rủi đến cho cô dâu và chú rể nữa.

cá lóc nướng trui đặc sản không bao giờ xuất hiện trong tiệc cưới của người miền Tây
cá lóc nướng trui đặc sản không bao giờ xuất hiện trong tiệc cưới của người miền Tây

Thay vào đó, thực đơn tiệc cưới của người miền Tây thường có các món gỏi, chả giò … cho món khai vị. Các món chính thường có món súp, gà quay, bò lagu, cá hấp hoặc chiên, … Các món cuối thường là lẩu Thái, lẩu hải sản hoặc lẩu cá. Món tráng miệng là trái cây, cũng có thể là một vài loại bánh ngọt đặc trưng của miền Tây.

Ai đã từng ăn cưới tại miền Tây thì kể thêm cho mọi người nghe vài món ngon mà đã từng được ăn trong tiệc cưới của người miền Tây thêm nha.

>>> Xem thêm: Của hồi môn là gì? Nguồn góc của tục lệ của hồi môn

>>> Xem thêm: Cách chọn thực đơn tiệc cưới đúng chuẩn

, , , , , , , , , , , ,

4 bình luận trong “Những sắc màu đặc trưng trong đám cưới người miền Tây

  1. Cho tui qua cây cầu khi như trong hình là tui bó tay, bó chân luôn. Ở lại bên đây cho chắc hay ai có ghe chở tui qua chứ tui không dám qua rồi đó

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *