Đám cưới thời bao cấp ở Việt Nam như thế nào?

Khác hẳn với những đám cưới thời nay, đám cưới thời bao cấp mang tính cộng đồng cao và phần lớn đều tổ chức theo kiểu “cây nhà là vườn”

Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh sau 30 năm chính thức kết thúc, hòa bình được thiết lập tại đất nước Việt Nam. Cuộc sống của người dân cả nước bước qua một giai đoạn mới theo sự phát triển của xã hội. Các đám cưới trong xã hội được tổ chức long trọng hơn, nhiều nghi lễ hơn so với thời kỳ chiến tranh.

Mặc dù vậy, sự tiến bộ của xã hội đã rút gọn nghi thức cưới hỏi từ 6 nghi thức giảm xuống còn 3 nghi thức chính. Đó là lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Âm nhạc trong đám cưới thời bao cấp

Đám cưới hiện nay người MC đóng vai trò rất lớn. Họ là những MC cưới chuyên nghiệp có nhiệm vụ giới thiệu chương trình đám cưới đến tất cả bà con, chú bác và khách dự tiệc. Sau đó, khách dùng tiệc cưới tại nhà hàng còn có sự phục vụ âm nhạc của những ban nhạc, ca sĩ ngay tại nhà hàng.

Tất cả những điều này đều không có trong đám cưới thời bao cấp. MC thời đó chỉ là người giới thiệu, họ có thể là một người thân trong gia đình hoặc một người bạn của  cô dâu hoặc chú rể giỏi tài ăn nói. Ca sĩ trong đám cưới cũng là “cây nhà lá vườn”. Bất kỳ một khách mời nào cũng có thể trở thành ca sĩ lên sân khấu hát góp vui. Sau này, với nhu cầu văn nghệ trong đám cưới, người ta mới hình thành nên các ban nhạc chuyên hát đám cưới góp vụi.

Về sau đám cưới luôn có sự phục vụ của ban nhạc
Về sau đám cưới luôn có sự phục vụ của ban nhạc

Sự phát triển cực thịnh của phong trào đám cưới mới chỉ được ghi nhận bằng việc thành lập các ban nhạc đánh cho đám cưới vào những năm 1990. Những bản nhạc thịnh hành nhất trong đám cưới thời bao cấp có thể kể đến là:

     – Tình ca trên thảo nguyên
     – Đôi bờ
     – Chiều Matxcova

Ngoài ra, những ca khúc cách mạng cũng khác thịnh hành trong đám cưới thời bao cấp, phổ biến nhất là các bản nhạc:

     – Trường Sơn đông, Trường Sơn tây
     – Tôi là người lái xe

Lúc ban đầu, phong trào chơi nhạc trong đám cưới chỉ thịnh hành ở các thành thị. Về sau, phong trào này lan rộng sang cả khu vực nông thôn, ngoại thành.

Do ảnh hưởng của một số văn hóa phương tây, đặc biệt là văn hóa Nga du nhập vào Việt Nam, vì thế một số đám cưới thời bao cấp cũng có màn khiêu vũ nữa. Đám cưới xong, mọi người đóng cửa, bật nhạc lên và cũng khiêu vũ theo điệu nhạc.

Trang trí đám cưới thời bao cấp

Thời bao cấp, sân khấu tổ chức đám cưới không có rèm lụa hoành tráng, đương nhiên cũng không có cả những ánh đèn chớp tắt đủ màu sắc như thời nay. Sân khấu thời đó thường được căng bằng 1 tấm vải hoặc là một tấm bạt để làm phông nền cho đám cưới. Trên phông nền được dán chữ song hỷ, nhiều nơi người ta dán cặp bồ câu. Tên cô dâu và chú rể được cắt bằng giấy màu và cũng được dán lên phông nền đám cưới. trên bàn cô dâu và chú rể không có những cành hoa hồng nhung lãng mạn mà chỉ có một bình hoa được cắm những nhánh lay ơn đỏ thắm. Kế bên có đặt hêm chiếc đài Radio hoặc máy catsette phát những giai điệu đám cưới vui tươi thời đó.

Trang trí đám cưới thời bao cấp
Trang trí đám cưới thời bao cấp

Trang trí đám cưới trong thời bao cấp không chỉ là điều bắt buộc phải thực hiện để nhà cửa được trang hoàng tươi đẹp đón dâu, mà nó còn là thú vui của gia đình sắp có đám cưới nữa. Thời kỳ này khởi đầu cho phong cách cắt dán, trổ, xé những tấm hình trang trí đám cưới, đặc biệt là hình người và chữ dán lồng lên tường và trên phông cưới.

Rước dâu thời bao cấp

Việc rước dâu bằng xe hoa được trang trí rất đẹp thời nay không có gì lạ, vì bất kỳ đám cưới nào người ta cũng thuê xe hoa để rước dâu. Còn nhà nào khá giả có xe hơi thì họ tận dụng luôn xe hơi của mình làm xe rước dâu.

Nhưng trong thời bao cấp, một chiếc xe máy 2 bánh cũng là phương tiện khó kiếm chứ đừng nói đến xe hơi. Nhà nào khá giả lắm mới có được một chiếc xe Cup để rước dâu. Chú rể sẽ chở câu dâu về nhà chồng bằng chiếc xe cup này. Còn lại đa số người ta đều rước dâu bằng xe đạp. Ở những vùng nông thôn xa xôi, khó khăn, thậm chí người ta còn đi bộ để rước dâu nữa.

Rước dâu bằng xe máy
Rước dâu bằng xe máy thời bao cấp

Hình ảnh chú rể mặc vest đạp xe đón cô dâu về nhà chồng, cô dâu ngồi vắt chéo e thẹn ôm eo chú rể từ đằng sau, chiếc váy đuôi dài đôi khi còn quét lê trên đường làng mang vẻ đẹp thật lãng mạn và tinh khôi.

Quà cưới thời bao cấp

Đám cưới thời bao cấp hầu như người ta không mừng nhau bằng tiền, bằng phong bì, bằng lì xì hay vòng vàng như ngày nay. Tất cả mọi người đều tặng nhau bằng vật chất. Chủ nhà sẽ chuẩn bị một chiếc bàn lớn để người dân mang tặng phẩm đến và đặt tại chiếc bàn đó. 

Nếu trang trí đám cưới là thú vui thì việc chọn quà tặng cho đám cưới lại mang tính thực tế cao. Đám cưới thời bao cấp người ta tặng quà cưới toàn là những sản phẩm như chậu thau, bếp dầu, xe đạp, ruột phích nước, vỏ phích, đồ sứ …

Lễ vật và vật dụng cưới thời bao cấp

Trong ký ức của những người từng tổ chức đám cưới vào thập niên 80 chính là tính cộng đồng sâu sắc trong mỗi đám cưới. Tính cộng đồng này thể hiện từ khâu chuẩn bị cho đến khâu tổ chức và kết thúc.

Để có một đám cưới thời bao cấp một cách trọn vẹn, khâu chuẩn bị phải được diễn ra trước đó vài tháng. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất trong đời của con cái mình, các bậc cha mẹ phải đi vay, đi mượn phiếu thịt, tem vải … Các loại tem phiếu này được họ dùng để mua những thứ như bột mì, trứng, đường để làm ra các loại bánh như bánh quy gai, bánh quy xốp, bánh vòng vừng. Ngoài ra, họ còn xin thêm tiêu chuẩn để mua thuốc lá, rượu, chanh, mơ, táo …. Để phục vụ cho đám cưới.

Nơi đăng ký kết hôn của các bạn trẻ thời bao cấp chính là tiểu khu. Sau khi đăng ký kết hôn xong, đôi bạn trẻ sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Khi đã có được tấm giấy chứng nhận kết hôn này rồi, họ sẽ đem nó ra các cửa hàng, hợp tác xã để được mua vải, mua giường, mua chăn màn…

Sau lễ ăn hỏi, các chị em trong nhà cùng nhau gói cau, lá trầu, mứt, sen, chè … vừa làm vừa cùng cười đùa vui với nhau. Tính cộng đồng còn thể hiện ở việc các anh chị, cô chú bác ở quê lên ăn trầu, têm trầu và làm cỗ.

Tiệc cưới trong thời bao cấp

Trong thời bao cấp, việc ăn uống đám cưới rất ít, chủ yếu chỉ có liên hoan trong gia đình. Những gia đình có điều kiện có thể làm chục mâm cỗ để mời anh em họ hàng. Những trường hợp ít có điều kiện có khi chỉ mổ mỗi con gà.

Thời bao cấp không có nhà hàng tiệc cưới để đãi nên tất cả tiệc cưới đều được đãi ở tư gia và chủ nhà và những người ba con thay nhau để nấu. Thời đó cũng không có tủ lạnh để giữ thức ăn được tươi ngon. Chính vì thế, thức ăn trong tiệc cưới phải được làm vào ban đêm cho kịp. Đêm trước ngày cưới bao giờ cũng là đêm làm cỗ. Công việc đòi hỏi huy động rất nhiều người và phân công mỗi người một việc để có hoàn thành sớm cỗ cưới. Người phụ trách thái su hào, làm nộm, làm gà. Người thì phụ trách làm giò heo, ngâm măng, đãi đỗ. Chất đốt dùng để nấu nướng là các loại mùn cưa, củi gỗ, than dầu. Còn các vật dụng nấu nướng như nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa đều không đủ dùng nên phải đi mượn từ hàng xóm, láng giềng hoặc bà con dòng họ. Chính vì thế, đám cưới thời bao cấp mang tính cộng đồng rất cao.

Tất cả món ăn trong tiệc cưới thời bao cấp đều tự nấu
Tất cả món ăn trong tiệc cưới thời bao cấp đều tự nấu

Nơi đãi tiệc hầu như không có đủ chỗ để đãi nên đa số đều phải mượn thêm khoảng sân của hàng xóm láng giềng để đãi. Ngoài ra, họ còn mượn bàn ghế, phông bạt, khăn trải bàn từ các cơ quan như trường học, nhà trẻ, hội trường cơ quan …  

Trang phục cưới trong thời bao cấp

Trang phục cưới theo phong cách của các bạn trẻ thời bao cấp là phải diện hơm phẳng phiu hơn. Trang phục ngày cưới phải khác hơn so với ngày thường. Cô dâu thường diện áo dài còn chú rể sẽ mặc bộ comple. Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều có điều kiện để may đó và sắm sửa cho những bộ áo chỉnh chu như thế. Giá thành để có một bộ trang phục cưới cho cô dâu và chú rể thời bấy giờ không phải là rẻ, nó chiếm đến gần 2 tháng lương của 1 người đi làm. Do đó, các bạn trẻ đám cưới xong có xu hướng mượn đồ lẫn nhau để mặc trong đám cưới thời bao cấp.

Xu hướng mượn đồ cưới lẫn nhau trong thời bao cấp
Xu hướng mượn đồ cưới lẫn nhau trong thời bao cấp

Người may trang phục cưới đầu tiên sẽ may kích thước lớn hơn từ 1 đến 2 size để sau này còn có thể cho bạn bè hoặc người thân mượn mặc.

Phù dâu và phù rể trong thời bao cấp

Phù dâu và phù rể là những người không thể thiếu trong bất kỳ đám cưới nào trong thời kỳ bao cấp. Phù dâu và phù rể được xem là người đại diện cho cô dâu và chú rể vì thế họ được nhà trai và nhà gái chọn lựa rất cẩn thận. Ngoài ra, khi chọn phù dâu và phù rể, nhà trai và nhà gái còn có ý muốn tác thành cho họ nữa. Đám cưới kết thúc, các mâm cỗ đã được dọn dẹp xong, phù rể phải có trách nhiệm đưa phù dâu về nhà. Có rất nhiều phù dâu và phù rể sau đám cưới của bạn bè mình đã quên nhau và tiến đến kết hôn với nhau.

>>> Xem thêm: Cách chọn ngày cưới khoa học

>>> Xem thêm: Đám cưới trong thời chiến của người Việt được tổ chức như thế nào?

, , , , , , , ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *