Cách viết thiệp cưới khi mất ba mẹ

Trường hợp viết thiệp cưới khi mất ba mẹ như thế nào? Nên chọn ai làm người đại diện cho thay cho ba mẹ trong đám cưới?

Trên mỗi tấm thiệp cưới khi nhận được, chúng ta đều thấy tên ba mẹ của cả cô dâu và chú rể được in một cách trang trọng trên phần chủ hôn. Có thể nói, cha mẹ là người xứng đáng nhất để đại diện cho con cái của mình làm chủ hôn trong đám cưới.

Còn ba, còn mẹ để làm người chủ hôn đại diện cho hôn lễ của mình là điều hạnh phúc lớn nhất của các cô dâu và chú rể trong đám cưới. Có những trường hợp không may, ba mẹ mất trước khi con cái kết hôn. Họ không thể chứng kiến ngày hạnh phúc nhất của con cái.

Trong những trường hợp này, khi viết thiệp cưới khi mất ba mẹ thì chúng ta sẽ phải ghi tên cha mẹ như thế nào? Nên hay không nên ghi tên cha mẹ đã mất lên tấm thiệp hồng?

Cách viết thiệp cưới khi mất ba

Viết tên cha đã mất lên thiệp cưới

Trường hợp đầu tiên là cô dâu hoặc chú rể đã mất cha trước khi tổ chức đám cưới. Vì người cha đã mất nên không thể đứng ra tổ chức hôn lễ hoặc làm chủ hôn trong đám cưới được. Tuy nhiên, cô dâu hoặc chú rể vẫn muốn đưa tên của người cha đã mất lên thiệp cưới thì vẫn hoàn toàn được.

Trong trường hợp này, khi ghi tên người cha đã mất lên thiệp cưới, kế bên tên người cha, bạn sẽ mở ngoặc kép ghi là “Cố Phụ” nghĩa là cha quá cố để người nhận thiệp biết đó là người đã mất.

Không viết tên cha đã mất lên thiệp cưới

Trường hợp cô dâu và chú rể không muốn viết tên cha đã mất lên thiệp cưới thì có thể ghi bằng 2 cách sau đây:

       – Bỏ trống tên của cha, thêm chữ Bà Quả Phụ trước họ tên của mẹ.
       – Thay tên cha bằng tên cha dượng (trong trường hợp người mẹ đi thêm bước nữa), họ tên mẹ vẫn ghi bình thường.

Có nên ghi tên cha đã mất lên thiệp cưới không?
Có nên ghi tên cha đã mất lên thiệp cưới không?

Cách viết thiệp cưới khi mất mẹ

Viết tên mẹ đã mất lên thiệp cưới

Trường hợp mẹ bạn đã mất và bạn vẫn muốn viết tên mẹ lên thiệp cưới. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp mất cha. Khi ghi tên người mẹ đã mất lên thiệp cưới, kế bên tên người mẹ, bạn sẽ mở ngặc kép ghi là “Cố Mẫu” nghĩa là mẹ quá cố để người nhận thiệp biết đó là người đã mất.

Không viết tên mẹ đã mất lên thiệp cưới

Có một số trường hợp bạn không muốn viết tên mẹ lên thiệp cưới vì một số lý do nào đó. Khi đó bạn có thể viết như thế này:

       – Bỏ trống tên của người mẹ, thêm chữ Ông Cô Nam trước họ tên của cha.
       – Thay tên cha bằng tên mẹ kế (trong trường hợp người cha đi thêm bước nữa), họ tên cha thì vẫn ghi đầy đủ.

Có nên ghi tên mẹ đã khuất lên thiệp cưới không?
Có nên ghi tên mẹ đã khuất lên thiệp cưới không?

Cách viết thiệp cưới khi mất ba mẹ

Có những trường hợp không may mắn mất cả ba lẫn mẹ trước khi tổ chức hôn lễ. Đây có thể nói là bất hạnh lớn nhất của các cô dâu, chú rể. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ viết thiệp cưới khi mất ba mẹ như thế nào?

Còn đầy đủ cha mẹ đại diện cho đám cưới của mình là niềm hạnh phúc của con cái
Còn đầy đủ cha mẹ đại diện cho đám cưới của mình là niềm hạnh phúc của con cái

Ghi tên cha và tên mẹ đã mất lên thiệp

Trường hợp bạn muốn ghi cả tên cha và tên mẹ đã mất lên trên thiệp để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành của mình, điều này hoàn toàn hợp lý. Trên thiệp bạn sẽ ghi đầy đủ họ tên của cha mẹ đã mất của mình. Thêm vào đó, kế bên họ tên cha bạn sẽ mở ngoặc kép ghi là “Cố Phụ”. Kế bên họ tên của mẹ bạn sẽ mở ngoặc kép ghi là “Cố Mẫu”. Hoặc bạn cũng có thể ghi chú là “Song Đường Quá Vãng”.

Không ghi tên cha mẹ đã mất lên thiệp cưới

Cũng có những trường hợp cô dâu hoặc chú rể vì một lý do cá nhân nào đó không muốn ghi tên cha mẹ đã mất lên thiệp cưới thì họ phải ghi như thế nào? Trong trường hợp này người xưa cũng đã có tục ngữ nói rằng “Quyền huynh thế phụ”. Câu này có nghĩa là người anh trai lớn trong nhà có thể đứng ra đại diện làm chủ hôn cho những người em của mình. Vì thế có thể đặt tên của người anh trai lên vị trí người đại diện trên thiệp cưới. Trong nội dung báo tin về lễ cưới trong thiệp cưới, sẽ điều chỉnh lại câu:

Trân Trọng Báo Tin Lễ Thành Hôn Của Con Chúng Tôi
thành
Trân Trọng Báo Tin Lễ Thành Hôn Của Em Chúng Tôi

Hoặc là cũng có thể giao quyền chủ hôn cho chú như câu tục ngữ “Mất Cha Còn Chú”.Trường hợp này, người chú là em trai của cha sẽ làm chủ hôn để tổ chức hôn lễ cho con cháu trong nhà. Và tên của người chú có thể đặt ở vị trí của người đại diện trong thiệp cưới. Trong nội dung báo tin về lễ cưới trong thiệp cưới sẽ điều chỉnh lại câu:

Trân Trọng Báo Tin Lễ Thành Hôn Của Con Chúng Tôi
thành
Trân Trọng Báo Tin Lễ Thành Hôn Của Cháu Chúng Tôi

Cách viết thiệp cưới khi không có cha mẹ, không rõ tên cha mẹ

Trường hợp này là những trường hợp đặc biệt. Cô dâu, chú rể có thể lớn lên trong cô nhi viện không rõ cha mẹ là ai. Hay người nuôi dưỡng là những người đỡ đầu, là cha mẹ nuôi hoặc được nuôi dưỡng trong chùa, trong nhà thờ …Những trường hợp này rõ ràng là không rõ cha mẹ là ai và cũng không biết tên cha mẹ mình là gì để ghi lên thiệp.

Do đó, trong thiệp cưới, trong phần đại diện chủ hôn những trường hợp này sẽ lấy tên người chủ hôn là người đã nuôi dưỡng mình, người đã đỡ đầu mình. Cụ thể tên người chủ hôn có thể là cha mẹ nuôi, các vị sơ, các thầy, các cô trong cô nhi viện … Những bạn trong trường hợp này nên xin phép trước những người chủ hôn này trước khi điền tên của họ lên thiệp cưới.

Lời kết

Một lần nữa xin được nhắc lại là thật hạnh phúc khi còn ba mẹ làm chủ hôn cho con cái trong ngày cưới của con cái. Chẳng may mất đi một hoặc cả hai song thân phụ mẫu thì phần đại diện chủ hôn sẽ được chia làm rất nhiều trường hợp khác nhau để viết. Tùy theo quan điểm, hoàn cảnh cá nhân của mỗi người mà chúng ta nên chọn ghi tên cha mẹ đã mất lên thiệp hay không? Nếu ghi sẽ ghi như thế nào? Nếu không ghi thì sẽ chọn người đại diện nào để thay thế? Tất cả những trường hợp này đều được trình bày cụ thể trong bài viết này.

Rất mong với những chia sẻ này, các bạn trẻ sắp trở thành cô dâu và chú rể trong tương lai có thể nắm rõ cách viết thiệp đúng đắn và trang trọng.

>>> Xem thêm: 6 điều làm phiền lòng khách mời trong tiệc cưới

>>> Xem thêm: 5 loại khách không nên mời trong tiệc cưới của bạn

, , , , , , ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *