Tục lệ hôn lễ của người Việt hiện nay đã được giảm thiểu rất nhiều so với xưa kia. Nó gói gọn lại thành 3 nghi lễ chính là chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Hôn lễ của người Việt thời xưa
Thời xưa, tục lệ về hôn lễ của người Việt chúng ta rất phức tạp, nó chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phong kiến Trung Quốc. Khi kết hôn thì phải tiến hành sáu lễ theo tiến trình như sau:
Lễ nạp thái
Đây là nghi lễ kén chọn con dâu hoặc con rể của gia đình nhà trai hoặc nhà gái.
Lễ vấn danh
Trước khi tổ chức đám cưới, có một nghi lễ được tổ chức để những người lớn tuổi bên nhà trai có thể tìm hiểu tên tuổi của cô dâu. Việc này nhằm mục đích xem tuổi của cô dâu. Tuổi của cô dâu sẽ được so với tuổi của chú rể trong lễ nạp cát để quyết định xem có hợp nhau không trước khi tiến đến hôn nhân.
Nghi lễ này được dân gian gọi là Lễ Vấn Danh. Thời xưa, những cô gái nào đã nhận lễ vấn danh của nhà trai thì được xem là đã có chồng, mặc dù lễ cưới chính thức vẫn chưa được cử hành.
Lễ nạp cát
Đây là nghi lễ lấy ngày tháng năm sinh của cô dâu và chú rể để xem hợp hay không hợp. Nếu đôi nam nữ hợp tuổi nhau thì sẽ lấy nhau. Ngược lại, tuổi xung khắc nhau thì thôi.
Lễ nạp tệ
Lễ nạp tệ thời xưa tương tự như là lễ ăn hỏi của người Việt chúng ta hiện nay. Đây là nghi lễ mà nhà trai sang nhà gái để chính thức hỏi cưới vợ cho con trai của mình
Lễ thỉnh kỳ
Đây là nghi lễ chọn lựa ngày giờ để tiến hành rước dâu và thực hiện lễ cưới
Lễ thân nghênh
Lễ thân nghênh còn được gọi là lễ nghênh hôn. Nó tương đương với lễ rước dâu và lễ cưới của chúng ta hiện nay.
Hôn lễ của người Việt hiện nay
Từ đầu thế kỷ thứ XX thì tục lệ hôn lễ của người Việt chúng ta đã có nhiều thay đổi. Các tục lệ xưa đã dần được bỏ bớt và giảm thiểu. Các nghi lễ cưới chỉ còn gói gọn trong 3 lễ chính là: Lễ Chạm Ngõ, Lễ Ăn Hỏi và Lễ Cưới.
Lễ chạm ngõ
Sau khi hai bên gia đình đã ưng thuận việc hỏi vợ gả chồng cho con, lễ chạm ngõ mới được cử hành. Lễ chạm ngõ còn được gọi là lễ dạm ngõ hay lễ xem mặt. Vì đây là dịp để đôi trai gái hiểu rõ nhau hơn và gia đình hai bên nhà trai và nhà gái cũng có dịp để gặp mặt, tìm hiểu tuổi tác, thái độ và tư cách của cô dâu tương lai lúc còn ở nhà gái để quyết định có nên tiến đến lễ ăn hỏi và lễ cưới hay không?
Ở đất nước ta trước đây, khi tiến hành lễ chạm ngõ, nhà trai thường đem các lễ vật như là trầu cau, rượu, trà và một số loại bánh đặc trưng sang biếu cho nhà gái. Lễ dạm ngõ giống như là một buổi mà nhà trai đến nhà gái chơi . Vì vậy nên quà mang đến không cần phải quá cầu kì như lễ cưới.
Sau khi đến nhà gái, nhà trai sẽ cử ra một người đại diện để thưa chuyện. Người đại diện này thường là những bậc trưởng bối như là ba chú rể hoặc là chú bác của chú rể. Người đại diện sẽ tự giới thiệu mình và những người trong đoàn nhà trai. Sau đó, người đại diện có lời xin phép để đôi trẻ chính thức qua lại với nhau. Cũng tương tự nhà trai, nhà gái cũng cử ra một đại diện để đáp lời.
Bước tiếp theo cặp trai gái sẽ cùng nhau thắp hương lên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Đây là một nghi thức xin phép tổ tiên chứng nhận cho mối quan hệ nghiêm túc. Vấn đề thách cưới, số lượng mâm quả, khách mời và ngày đám hỏi sẽ được hai bên gia đình bàn bạc trong lễ dạm này.
Sau lễ chạm ngõ từ khoảng 3 đến 6 tháng thì nhà trai và nhà gái sẽ chọn ngày để tổ chức lễ ăn hỏi cho đôi nam nữ. Sau lễ chạm ngõ, nhà trai thường tới thăm nhà gái vào những dịp lễ tết. Khi qua thăm lúc nào nhà trai cũng mang theo lễ vật để tặng nhà gái. Nếu sau lễ chạm ngõ mà mọi việc đều tốt đẹp giữa nhà trai và nhà gái thì sẽ chính thức tiến hành lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi của người Việt chúng ta. Theo tục lệ thì nhà gái sẽ đưa ra những đòi hỏi về lễ vật thách cưới cho nhà trai. Nhà trai sẽ phải đáp ứng những lễ vật này nếu muốn cưới vợ cho con trai mình. Lễ vật trong lễ ăn hỏi phổ biến là các sính lễ sau: trầu cau, trà rượu, các loại bánh, trái cây ngũ quả, xôi, gà luột, heo quay… Những sính lễ này được nhà trai mang sang nhà gái trong lễ ăn hỏi. Nhà gái sẽ dùng các sính lễ cưới này để cúng gia tiên và mang tặng cho bà con, họ hàng của phía nhà gái để báo tin vui là họ sắp gã con.
Tất cả các sính lễ cưới trong lễ ăn hỏi đều được nhà trai sắp xếp một cách trang trọng. Họ đặt các sính lễ cưới này vào trong các tráp cưới, bên ngoài phủ thêm một lớp khăn đỏ được thêu hình rồng phụng. Nhà trai sẽ tuyển chọn những thanh niên chưa vợ, ngoại hình đẹp để phụ trách mang những lễ vật này sang nhà gái. Nếu nhà trai và nhà gái gần nhau thì có thể đi bộ, còn nếu quá xa thì họ sử dụng ô tô để chở lễ vật và cả đoàn nhà trai sang nhà gái. Khi đến nhà gái, đoàn nhà trai sẽ chỉnh đốn trang phục và hàng ngũ ngay ngắn trước khi tiến vào nhà gái.
Các sính lễ trong lễ ăn hỏi
Trước đây trong hôn lễ của người Việt thì trầu cau, trà rượu là những sính lễ chủ yếu khi tổ chức lễ ăn hỏi. Ngày nay, sính lễ cưới trong hôn lễ của người Việt đa dạng hơn rất nhiều. Mỗi vùng miền khác nhau đều có những sính lễ cưới khác nhau. Nhưng trầu cau và trà rượu vẫn là những sính lễ không thể thiếu. Ngoài ra, người ta còn mang theo các sính lễ như là bánh phu thê, bánh tây, trái cây ngũ quả, trang sức, tiền nạp tài, heo quay, xôi gấc, gà luột ….
Trong lễ ăn hỏi, cả nhà trai và nhà gái đều chọn ra một người đại diện cho gia đình của mình để đứng ra giới thiệu cho nhà xui gia về các thành viên trong gia đình mình. Người đại diện của nhà trai sẽ giới thiệu lý do đến với buổi lễ này, trình bày các sính lễ mang theo và ngỏ lời xin phép được cưới vợ cho con trai mình. Đại diện của nhà gái sẽ đáp lời chấp nhận và chào mừng nhà trai. Đại diện của nhà gái sẽ cùng với bên nhà trai mang sinh lễ đặt lên bàn thờ gia tiên để cúng gia tiên của phía nhà gái. Sau khi hoàn tất việc cúng gia tiên, nhà gái thường có một buổi tiệc trà hoặc một buổi tiệc nhỏ để mời các thành viên nhà trai. Sau tiệc, nhà trai sẽ ra về.
Khi nhà gái nhận các sính lễ trong lễ ăn hỏi thì có nghĩa là họ đã chính thức chấp nhận việc gả con gái cho nhà trai. Sau ngày lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ chia các sính lễ cưới mà nhà trai mang sang để tặng cho bà con, họ hàng của phía nhà gái.
Còn về phía nhà trai, sau lễ ăn hỏi, chú rể tương lai còn phải tặng lễ vật vào mỗi dịp lễ tết cho nhà gái. Thường thì họ tặng lễ vật cho nhà gái vào những dịp lễ như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu và cả những ngày đám giỗ chính của nhà gái nữa. Khi nhận lễ vật, lúc nào nhà gái cũng chỉ nhận một nữa, một nữa còn lại nhà gái biếu lại cho nhà trai. Phong tục này gọi là lại quả.
Ngày xưa, sau lễ ăn hỏi, ở một vài địa phương của nước ta có phong tục gửi rể. Chú rể tương lai phải đến ở nhà gái và đi học trong vòng bốn năm năm để thi đỗ rồi mới được cưới vợ, Chính vì thế mà người dân mới có câu tục ngữ:” Phi cao đẳng bất thành phu phụ”.
Lễ cưới
Lễ cưới là nghi lễ chính thức và là nghi lễ quan trọng nhất trong hôn lễ của người Việt. Trong lễ cưới, người ta thực hiện rất nhiều các nghi lễ nhỏ theo phong tục truyền thống từ đời xưa truyền lại.
Nghi thức thách cưới
Ngày trước ở Việt Nam, nhà trai muốn lấy vợ cho con trai mình thì phải đáp ứng những sính lễ thách cưới mà nhà gái đưa ra. Thách cưới có nghĩa là nhà gái đòi hỏi nhà trai phải mang qua những sính lễ để chu cấp cho cô dâu và cả gia đình nhà gái nữa thì mới cho phép lễ cưới được diễn ra. Nhà gái thường đưa ra các yêu cầu thách cưới trong lễ chạm ngõ và nhà trai sẽ đáp ứng những sính lễ mà nhà gái yêu cầu trong lễ ăn hỏi.
Sính lễ thách cưới mà các nhà gái yêu cầu thường là các sính lễ như đồ trang sức, quần áo cưới cho cô dâu, các đồ lễ cưới cho gia đình nhà gái, tiền nạp tài, trà rượu, trầu cau, bánh trái, thịt heo, thịt bò, gạo nếp, gạo tẻ…
Thời đại hiện nay, nghi thức thách cưới không còn là vấn đề quan trọng nữa. Thay vào đó, nhà trai và nhà gái thường cộng tác tích cực với nhau để làm lễ cưới cho cô dâu và chú rễ thật chu đáo.
Chọn ngày làm đám cưới
Sau khi nhà trai và nhà gái đã thống nhất mọi việc thì hai bên sẽ phải ấn định ngày tổ chức đám cưới cho đôi trai gái. Để chọn được ngày tốt, họ sẽ lấy tuổi của cô dâu và tuổi của chú rể để nhờ các thầy bói hoặc thầy phong thủy xem. Nếu tuổi của cô dâu và chú rể hợp nhau thì sẽ dễ dàng chọn được ngày cưới phù hợp. Trường hợp ngược lại, nếu tuổi của cô dâu và chú rể xung khắc nhau thì thầy bói cần tìm ra ngày cưới phù hợp để hóa giải được sự xung khắc của cô dâu và chú rể.
Trong hôn lễ của người Việt, người ra rất kiêng kị tổ chức đám cưới vào tháng 7 âm lịch vì người ta cho rằng đây là tháng cô hôn nên không tốt cho việc cưới hỏi. Ngoài ra người ta cũng không cưới vào tháng 5 âm lịch, lý do là họ cho rằng tháng 5 là tháng giữa năm, nghĩa là tháng chia đôi một năm. Nếu tổ chức vào tháng 5 sẽ mang ý nghĩa chia cắt, chia đôi hoàn toàn không tốt cho đám cưới.
Chuẩn bị lễ rước dâu và đưa dâu
Sau khi đã ấn định ngày làm đám cưới, đã gửi thiệp báo hỷ và thiệp mời thì nhà trai phải chuẩn bị lễ cưới, tiệc cưới, tiệc trà, các dịch vụ chụp hình, quay phim. Ngoài ra, họ còn phải mua sắm nhẫn cưới cho cô dâu và chú rể, thuê xe hoa để chuẩn bị cho nghi thức rước dâu.
Nhà gái cũng phải chuẩn bị việc đón tiếp nhà trai đến rước dâu, chuẩn bị các nghi lễ sẽ được thực hiện bên nhà gái như là lễ gia tiên, lễ tơ hồng, lễ đưa dâu… Hiện nay, tiệc cưới thường do nhà trai và nhà gái đồng tổ chức tại các nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp. Lễ cưới thì sẽ được tổ chức tại tư gia. Nếu gia đình theo đạo Công Giáo thì sau khi rước dâu về nhà chồng, hai gia đình còn phải đặt lịch hẹn với Nhà Thờ để nhờ các cha làm lễ cưới ngay tại nhà thờ, qua đó chính thức hóa mối quan hệ hôn nhân của họ.
Nghi thức rước dâu
Nếu nhà trai ở gần nhà gái trong cùng làng xóm thì khi các thân nhân của nhà trai đem các lễ vật đi đón dâu, mọi người đi bộ thành đoàn người ngay ngắn. Nếu ở xa thì sử dụng xe hơi để tiến hành chở các sính lễ, người của đoàn nhà trai và tiến hành nghi thức rước dâu.
Nếu dùng xe hoa đón dâu thì chiếc xe hoa sẽ được trang trí rất đẹp. Hoa được kết ở đầu xe và đuôi xe, ngay cả tay nắm xe cũng được kết hoa. Nếu gia đình khá giả có thể sử dụng các loại hoa tươi, nếu tiết kiệm thì có thể sử dụng các loại hoa giả làm từ vải hoặc nhựa để trang trí cho xe hoa.
Người Việt tin rằng nếu đi ra ngõ mà gặp phải người đàn bà thì sẽ không may mắn. Chính vì vậy mà khi gia đình nhà trai bắt đầu mang lễ cưới đi đó dâu, gia đình nhà trai phải nhờ người đàn ông vui vẻ và dễ tính ra đón ngõ để khi mọi người vửa đi ra đón dâu thì được gặp đàn ông con trai ngay trước ngõ cho may mắn.
Nếu đón dâu bằng xe hoa thì xe hoa sẽ dừng trước gia đình nhà gái khoảng 200m. Đoàn rước dâu sẽ xuống xe và sắp xếp đội hình, đội ngũ thành một đoàn chỉnh tề trước khi tiến đến nhà gái. Ngày xưa, người ta thường bố trí một người lớn tuổi cầm hương hoa để dẫn đầu đoàn rước dâu. Người lớn tuổi này phải là người hiền lành, phúc hậu, có địa vị và vợ chồng phải còn song toàn, có đông con cháu. Và cuối cùng là gia đình người này phải không có tang thì mới được dẫn đầu đoàn rước dâu. Sự lựa chọn này có hàm ý là mong cho cô dâu và chú rể khi lấy nhau sẽ sống đến bách niên giai lão, có nhiều con chấu và công thành danh toại.
Người lớn tuổi phụ trách dẫn đầu đoàn sẽ mặc áo dài, khăn đống hay áo thụng xanh, che lộng và cầm một bó hoa cùng một bó nhang thắp cháy hay bưng một lư hương nhỏ có đốt trầm. Đi liền sau ông già này là bố của chú rể và những người mang bưng sính lễ cưới. Tiếp theo, đó là chú rể và hai rể phụ cùng với các cô dì, chú bác và cậu mợ của chú rể.
Khi đám rước dâu đến trước cửa nhà gái, nhà gái sẽ chào đón nhiệt tình. Trong suốt quá trình rước dâu đều được quay phim và chụp hình lại. Khi đoàn rước dâu vào đến nhà gái, người đại diện của nhà trai trai và nhà gái sẽ thay phiên nhau giới thiệu các thành viên của mỗi gia đình, kể cả cô dâu và chú rể nữa. Sau khi đã trao lễ vật rước dâu, người chủ hôn sẽ đứng ra ngỏ lời là đã chọn được ngày lành, tháng tốt để xin đón dâu. Sau đó, chủ hôn nhà gái hoặc bố cô dâu sẽ đứng ra đáp lại lời chào mừng, ưng thuận và cám ơn. Tiếp theo, là sự xuất hiện của cô dâu ra mắt hai họ. Chủ hôn nhà gái cùng với cô dâu, chú rể sẽ làm lễ gia tiên ra mắt tổ tiên bên nhà gái.
Sau lễ gia tiên tại nhà gái, chú rể và cô dâu phải đến chào ra mắt ông bà và ba mẹ vợ cùng với các bà con họ hàng của bên nhà gái. Khi chú rể đến chào các vị trưởng bối này, các vị trường bối thường tặng chú rể bao lì xì hoặc một món quà nào đó để chúc mừng. Hoàn tất lễ gia tiên, nhà gái sẽ mời nhà trai dùng trà và một ít bánh trái. Trước đây khi cô dâu về nhà chồng phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng của mình xếp vào vali để mang về nhà chồng. Những vật dụng cô dâu gồm có: quần áo, nữ trang, và các vật dụng cá nhân. Cô dâu không cần phải đem theo gối mền vì phòng tân hôn của nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ cho cả cô dâu và chú rể.
Theo phong tục của người Việt xưa thì nhà gái cử ra một đại diện tiễn cô dâu về nhà chồng. Còn cha mẹ của cô dâu sẽ không đi đưa dâu.
Lễ vu quy
Lễ đưa dâu còn được gọi là lễ vu quy. Ý nghĩa của lễ vu quy chính là nghi lễ đưa con gái về nhà chồng. Trước đây, khi đưa con gái về nhà chồng, nhà gái lúc nào cũng nhờ một ông già cầm hương hoa đi trước cùng với ông già dẫn cưới của họ nhà trai.
Khi về đến nhà chồng, ba mẹ chồng ra đón tiếp con dâu và họ hàng đi đưa dâu của bên nhà gái. Có nhiều chỗ, khi cô dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng không ra đón con dâu mà trước đó đã xách bình vôi đi lánh mặt một lúc rồi mới về để chào mừng và tiếp khách. Bình vôi tượng trưng cho sự chăm sóc gia đình, vì vậy bà mẹ mang bình vôi về để trao trách nhiệm cho cô dâu là phải gách vác công việc của bên nhà chồng.
Lễ gia tiên tại nhà trai
Sau khi được đón tiếp về đến nhà chồng, cô dâu sẽ theo chú rể đến chào ông bà và cha mẹ chồng rồi vào làm lễ gia tiên. Sau khi lễ gia tiên hoàn tất, chủ hôn sẽ đeo nhẫn cưới cho cô dâu và chú rể. Có những địa phương thực hiện việc đeo nhẫn cưới cho cô dâu và chú rể trong lễ tơ hồng. Những gia đình theo đạo Công Giáo thì thực hiện việc đeo nhẫn cưới tại nhà thờ. Sau khi hoàn tất nghi lễ đeo nhẫn cưới, cô dâu và chú rể sẽ thực hiện lễ tơ hồng.
Lễ tơ hồng
Theo các sự tích của dân gian thì ở trên cõi tiên có một vị thần gọi là Nguyệt Lão. Vị thần này phụ trách việc kết hôn của các cặp nam nữ ở dưới trần gian. Các đôi nam nữ khi thực hiện lễ cưới đều phải thực hiện một nghi lễ gọi là lễ tơ hồng để tạ ơn Nguyệt Lão đã se duyên cho họ.
Bàn thờ tơ hồng có thể được đặt trong nhà hoặc ở giữa sân nếu là ở vùng nông thôn. Cô dâu và chú rể khi thực hiện lễ tơ hồng sẽ đứng hàng ngang trên chiếu trải trước bàn thờ để lạy 4 lạy, vái 3 vái. Sau đó, họ sẽ quỳ xuống để nghe người chủ hôn đọc văn tế Tơ Hồng. Khi người đọc xong văn tế thì chú rể và cô dâu lại tạ Nguyệt Lão rồi cùng uống chung một ly rượu, ăn chung 1 miếng trầu đã có sẵn trên bàn thờ Tơ Hồng. Uống chung ly rượu nghĩa là hai người yêu thương nhau như chính bản thân mình. Ăn chung một miếng trầu mang ý nghĩa họ sẽ sống chung với nhau cho đến khi răng long đầu bạc. Lễ tơ hồng kết thúc sau khi cô dâu và chú rể hoàn thành việc uống rượu và ăn trầu.
Tiệc cưới
Thời nay, đa số tiệc cưới đều được thực hiện và tổ chức tại các nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp. Tiệc cưới được cô dâu và chú rể đặt sẵn trước đó nhiều tháng. Thiệp cưới phát cho khách luôn bao gồm 2 thiệp là thiệp báo đám cưới và thiệp mời dự tiệc cưới. Do đặt tại nhà hàng tiệc cưới cho nên mọi dịch vụ đều được bên nhà hàng đảm trách, cô dâu và chú rể cùng với gia đình giảm bớt khá nhiều công việc liên quan đến việc đãi tiệc cưới. Tiệc cưới thời nay có khách mời khá đa dạng, từ họ hàng hai bên cho đến láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác của cô dâu, chú rể và cả cha mẹ của cô dâu và chú rể nữa.
Không như thời nay, trước đây, tiệc cưới phần lớn đều được tổ chức tại tư gia. Sau khi cô dâu và chú rể hoàn tất các nghi lễ thì nhà trai cũng chính thức khai mạc tiệc cưới được tổ chức tại tư gia. Khách mời của tiệc cưới thời xưa chỉ gói gọn trong bà con hai họ, bạn bè thân thiết là hàng xóm của bên nhà trai mà thôi. Sau khi tiệc cưới kết thúc, gia đình nhà gái sẽ ra về.
Lễ động phòng
Lễ động phòng còn được gọi là lễ giao duyên. Lễ động phòng được thực hiện trong buổi tối đầu tiên sau lễ cưới. Theo tục lệ hôn lễ của người Việt xưa thì trước khi động phòng sẽ có một cụ già còn đủ chồng con và đông con nhiều cháu sẽ được mới tới. Cụ già này sẽ phụ trách đặt giường chiếu, chăn gối, mùng mền, mâm rượu, cơi trầu cho cô dâu và chú rể dùng. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau vào phòng tân hôn đã chuẩn bị sẵn để làm lễ hợp cẩn. Trong lễ hợp cẩn, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau uống một ly rượu, ăn một miếng trầu trước khi ngủ cùng nhau trong đêm tân hôn.
Sau khi uống rượu và ăn trầu xong, cô dâu sẽ lạy chồng hai lạy và chồng đáp lại một vái. Trước khi vợ chồng cùng ngủ với nhau trong đêm tân hôn, cô dâu thường tìm cách ngồi trên đầu giường và vắt quần áo của mình lên trên quần áo của chồng. Ý nghĩa của hành động này là cô dâu có ý làm cho chồng chiều chộng và phục tùng mình trong cuộc sống vợ chồng.
Lễ từ đường
Tại các vùng nông thôn của đất nước ta trước thập niên 70, người dân có tục lệ lập đền thờ cho mỗi họ với cái tên là Từ Đường. Họ nhà trai và họ nhà gái đều có tường đường riêng của họ. Do vậy, ở các vùng nông thôn tại miền Bắc nước ta , khi nhà trai đến nhà gái rước dâu thì chú rể và cô dâu đều phải đến Từ Đường của họ nhà gái để làm lễ. Sau đó, họ mới trở về nhà gái để làm lễ gia tiên của bên nhà gái. Tương tự như vậy, khi cô dâu về tới nhà trai thì chú rể và cô dâu cũng phải ra Từ Đường của nhà trai để làm lễ trước rồi mới về nhà trai làm lễ gia tiên bên nhà chú rể.
Lễ lại mặt
Theo tục lệ hôn lễ của người Việt thì sau khi cưới được 3 ngày, hai vợ chồng phải đem xôi chè, rượu và trầu cau về nhà bố mẹ vợ để cúng gia tiên. Lễ này được gọi là lễ lại mặt hay là tứ hỷ. Nếu vợ chồng đem lễ về nhà ba mẹ vợ ngay hôm sau ngày cưới thì tên lể này cũng được gọi là lễ lại mặt hay nhị hỷ.
Sau khi thăm hỏi bố mẹ vợ, hai vợ chồng sẽ thắp nhang trên bàn thờ gia tiên. Bố mẹ vợ cũng có lời dặn dò con gái phải đối xử trọn vẹn bổn phận với chồng và gia đình nhà chồng vì từ nay cô dâu sẽ là người của nhà chồng rồi. Ca dao Việt Nam cũng có câu “Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về”
Tuần trăng mật
Sau khi cưới, vợ chồng thường nghỉ một tuần hay một tháng để đi du lịch chung với nhau. Hai vợ chồng mới cưới cùng nhau đi du lịch trong 1 tuần nên được mọi người gọi là đi hưởng tuần trăng mật. Tháng đầu tiên sau ngày cưới chính là tháng tuyệt vời nhất, ngọt ngào nhất để những đôi vợ chồng mới cưới chung hưởng niềm vui và hạnh phúc bên nhau.
Tuần trăng mật đối với các đôi vợ chồng mới cưới là rất quan trọng. Nó là kỷ niệm hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng từ sau ngày cưới cho đến khi răng long đầu bạc.
>>> Xem thêm: 5 phong cách hoa cưới cầm tay cô dâu đầy cá tính
>>> Xem thêm: Đám cưới gặp đám ma là điều tốt hay xấu