Vẫn còn khá nhiều điều kiêng kị trong lễ cưới của người miền Nam. Mặc dù theo thời gian nhiều phong tục rườm rà đã được bãi bỏ bớt.
Phong tục đám cưới của người miền Nam vẫn mang những nét giống với phong tục cưới hỏi của các vùng miền khác. Tuy vậy, nó cũng có những nét đặc trưng riêng khác biệt của vùng đất phương Nam. Theo thời gian thì nhiều phong tục cưới rườm rà đã được người miền Nam đơn giản hóa đi rất nhiều. Mặc dù vậy, một số điều kiêng kị trong lễ cưới vẫn được rất nhiều người miền Nam xem trọng và áp dụng đến hiện nay.
Người miền Nam quan niệm rằng có kiêng có lành
Những bậc trưởng bối của khu vực Nam Bộ thường nói với những người trẻ tuổi rằng “ Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mỗi khi các bạn trẻ muốn đơn giản hóa hoặc giảm bớt các phong tục truyền thống. Như chúng ta thấy, việc kiêng việc này, kị việc kia không chỉ đơn giản là do mê tín đâu. Thực ra nó xuất phát từ truyền thống dân tộc truyền lại. Việc giữ gìn và thực hiện các điều kiêng kị này không những giúp tâm lý thoải mái hơn mà còn tạo ra nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ cưới nữa.

Chúng tôi thật sự không biết những kiêng kị này có thật sự mang lại may mắn cho cô dâu, chú rể hay không. Nhưng trước mắt khi thực hiện những kiêng kị này theo lời bậc cha chú thì họ sẽ cảm thấy yên tâm và vui vẻ hơn rất nhiều so với không thực hiện. Ai cũng có một niềm tin, người ta tin rằng kiêng kị thì đám cưới sẽ được tổ chức thuận lợi, tốt đẹp thì người ta sẽ cố gắng tổ chức nó theo niềm tin của mình.
Dưới đây là một số điều kiêng kị trong lễ cưới của người miền Nam
Điều kiêng kị trong lễ cưới của người miền Nam đầu tiên là Kị Tuổi
Kị tuổi có thể nói là điều kiêng kị lớn nhất khi chọn rể hay chọn dâu của người miền Nam. Tuổi của cô dâu và chú rể nếu mà xung khắc nhau thì có thể sau khi cưới nhau sẽ gặp phải nhiều điều không may. Đó có thể là làm ăn không tốt, hôn nhân tan vỡ, gặp nhiều vận rủi. Chính vì lý do đó mà mỗi khi những bạn trẻ dẫn bạn trai hay bạn gái về nhà ra mắt, các bậc phụ huynh đều tìm cách hỏi tuổi, năm sinh, giờ sinh của đối phương. Từ đó họ sẽ so với tuổi, năm sinh, giờ sinh của con cái họ xem có hợp nhau không thì mới tính tiếp.
Có thể nói điều kiêng kị tuổi trong đám cưới của người Nam Bộ chính là một trong những nguyên nhân khiến cho không ít các đôi trai gái tan vỡ, không thể tiến đến hôn nhân.
Điều kiêng kị trong lễ cưới của người miền Nam thứ hai là kị ngày giờ
Người miền Nam đúng là quá nhiều thứ để kị. Hết kiêng kị tuổi rồi bây giờ chuyển qua kiêng kị ngày giờ. Tuy nhiên, kiêng kị ngày giờ thì tương đối dễ vượt qua. Hầu hết các đôi trai gái phải vượt qua được kiêng kị tuổi thì mới bước đến vòng kiêng kị ngày giờ. Người miền Nam rất chú trọng các việc trọng đại phải được tổ chức vào ngày giờ tốt. Do đó, những lễ như đám hỏi, đám cưới, rước dâu, cử hành hôn lễ, làm lễ gia tiên đều được họ lựa chọn ngày giờ rất kỹ.
Họ quan niệm rằng nếu đám cưới và lễ rước dâu được cử hành vào ngày giờ tốt, hợp với cô dâu và chú rể thì cuộc sống hôn nhân của họ sẽ viên mãn và hạnh phúc.
Kiêng kị trong lễ rước dâu
Ngay cả quá trình rước dâu và bưng quả thì người miền Nam cũng có nhiều quy định khắc khe. Khi lấy trầu cau từ các sính lễ để dâng lên bàn thờ gia tiên nhà gái thì chú rể phải dùng tay để xé cau. Tuyệt đối không được dùng dao hoặc dùng kéo để cắt vì sợ hôn nhân bị chia cắt.

Khi người con gái theo nhà trai về nhà chồng thì tuyệt đối không nên quay đầu nhìn lại , mà nên nhìn thẳng về phía trước và bước lên xe hơi về nhà chồng. Khi đi đón dâu và rước dâu thì hai con đường xe hoa chạy phải là 2 con đường khác nhau. Họ quan niệm rằng nếu chạy đúng 1 con đường trong việc đón và đưa dâu thì có thể dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Khi đưa và rước dâu thì mẹ của cô dâu kiêng kị không theo đoàn đưa dâu về nhà chồng. Còn mẹ chồng thì cũng kiêng kị đứng trước cửa để đón dâu.
Kiêng kị trong thời gian cử hành hôn lễ
Bàn thờ tổ tiên phải là nơi được sử dụng để cử hành hôn lễ chính thức.Trên bàn thờ phải có đầy đủ nhang đèn và trái cây. Nhang đèn và trái cây chính là những sính lễ mà nhà trai mang theo để tặng cho nhà gái. Ngoài ra sính lễ còn có trầu cau, bánh kẹo và quan trọng nhất chính là cặp đèn long phụng có kích thước to để cử hành nghi thức lên đèn truyền thống trong đám cưới của người miền Nam.
Những kiêng kị khác trong lễ cưới của người miền Nam
Nhẫn cưới của cô dâu và chú rể có thể mua trước đám cưới bao lâu cũng được. Sau khi mua xong cặp nhẫn cưới đó phải được cất đi và chỉ được đeo cho nhau khi cử hành lễ cưới. Tuyệt đối không được đeo trước khi đám cưới diễn ra.

Người miền Nam rất sợ bị vỡ đồ, bể chén, bể ly trong đám cưới. Vì thế, trong quá trình làm đám cưới, tất cả mọi người đều được dặn dò là phải cẩn thận, không để làm bể đồ. Họ cho rằng nếu trong quá trình tổ chức đám cưới mà làm bể đồ thì hôn nhân cũng đổ vỡ theo.
Nếu cô dâu đang mang thai thì nên bước vào từ cửa sau trong trường hợp nhà có cửa chính và cửa sau. Còn nếu có 1 cửa thì không thể lựa chọn. Người miền Nam cho rằng nếu cô dâu đang mang thai mà bước vào từ cửa chính thì công chuyện làm ăn của gia đình nhà trai sẽ không được suông sẻ.
Phòng tân hôn là căn phòng riêng tư của cô dâu và chú rể phải được trang trí và sơn phết lại. Giường cưới của phòng tân hôn phải là giường mới. Kiêng kị sử dụng giường cũ. Người ta còn có phong tục mời một người phụ nữ có gia đình hạnh phúc, có đủ con gái lẫn con trai trải chiếu hoặc trải drap lên chiếc giường tân hôn để lấy hên. Ngoài ra, các phụ nữ bị mất chồng hay đang mang thai đều không được phép vào phòng tân hôn của cô dâu và chú rể. Cho dù các phụ nữ này có thân thuộc đến mấy đều kiêng kị cả.

Những gia đình đang để tang sẽ không được mời đến dự đám cưới cũng như tiệc cưới của cô dâu và chú rể. Người ta kiêng kị sự xui xẻo cũng việc để tang ảnh hưởng đến đám cưới.
Điều kiêng kị cuối cùng là đối với thực đơn tiệc cưới. Ở miền Nam những món mắm được xem như là đặc sản của họ. Mặc dù vậy, tiệc cưới không bao giờ xuất hiện món mắm cùng với những món như là canh chua, rau đắng … Nguyên nhân là các món này tạo ra những vị chua chát, cay đắng. Còn món mắm thì tạo nên mùi hôi. Người ta sợ các món này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc lứa đôi sau này của cô dâu và chú rể. Ai cũng muốn có cuộc sống ấm no, ngọt ngào. Không ai muốn cuộc sống chua chát, đắng cay cả.
>>> Xem thêm: 5 phong cách hoa cầm tay cô dâu đầy cá tính
>>> Xem thêm: Ý nghĩa của chiếc nhẫn cầu hôn