Chọn được một thực đơn tiệc cưới vừa ngon, vừa phong phú để làm hài lòng khách mời là điều bất kỳ ai cũng mong muốn. Một thực đơn ngon, ngoài tay nghề của các đầu bếp của nhà hàng thì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chọn món và phối món trong thực đơn của bạn.
Nguyên tắc chọn thực đơn tiệc cưới ngon và phong phú
Một thật đơn tiệc cưới hoàn hảo phải có hội tụ đủ 2 yếu tố là ngon và phong phú. Thực đơn phong phú nghĩa là có nhiều món khác nhau để khách mời có thể thưởng thức. Ngoài ra, để khách cảm thấy ngon miệng, bạn nên chọn những món ăn có cách chế biến, nấu nướng khác nhau. Có như thế, khách mời sẽ không có cảm giác bị ngán, bị đầy bụng bởi những món trùng nhau.
Kết cấu của một thực đơn tiệc cưới phong phú phải bao gồm đầy đủ các món sau đây:
– 1 Món
khai vị
– 1 Món súp hoặc món canh tiềm
– 3 đến 4 Món chính
– 1 Món chính cuối cùng
– 1 Món tráng miệng
Thứ tự phục vụ các món này phải theo danh sách từ trên xuống dưới, nghĩa là khởi đầu bằng món khai vị, rồi đến món súp/canh tiềm. Tiếp theo là các món chính và món chính cuối cùng và kết thúc bằng món tráng miệng.
Món khai vị thì thường được các đầu bếp chia thành 2 đến 4 món nhỏ. Còn các món chính thì bạn nên chọn các kiểu chế biến khác nhau. Gợi ý cho việc chọn 4 món chính trong thực đơn tiệc cưới như sau:
– 1 món quay hoặc nướng. Ví dụ như là heo sữa quay, gà quay bánh bao …
– 1 món hấp. Ví dụ như cá chẻm hấp hành gừng, tôm hấp bia …
– 1 món sốt. Ví dụ như hải sâm sốt dầu hào, gân nai đông cô…
– 1 món chiên hoặc xào. Ví dụ: mực xào sa tế, tôm lăn bột chiên, bò xào tiêu đen…
Với cách chọn thực đơn tiệc cưới có nhiều món và nhiều kiểu chế biến khác nhau, chắc chắn sẽ đem đến cho khách hàng một bữa tiệc cưới vừa ngon, vừa phong phú mà bất kỳ người nào cũng phải khen.
Món khai vị trong tiệc cưới
Món khai vị là gì?
Món khai vị là món ăn đầu tiên được đem ra cho khách mời thưởng thức trong bữa tiệc. Nó được xem như là món ăn khai tiệc. Món khai vị được các đầu bếp trình bày khá công phu và bắt mắt. Nguyên liệu chính tạo nên món khai vị thường là các nguyên liệu có vị chua hoặc cay.
Tất cả các món khai vị trong thực đơn tiệc cưới đều là những món mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nó như một nụ cười để khởi đầu cho bữa tiệc thịnh soạn dành cho khách dự tiệc.
Tên gọi của các món khai vị tiệc cưới
Tại các nhà hàng tiệc cưới, món khai vị được chia làm 2 hoặc 3 món nhỏ khác nhau chứ không phải là một đĩa lớn như các món chính.
Nhà hàng cũng chủ động đặt những cái tên rất mỹ miều dành cho các món khai vị, những cái tên này đều hàm chứa những câu chúc phúc may mắn của nhà hàng dành cho cô dâu và chú rể trong ngày cưới của họ.
– Đối với
2 món khai vị họ thường đặt tên là Song
Hỷ Lâm Môn hoặc là Uyên Ương Khai Vị.
– Đối với 3 món khai vị thường
đặt tên là Duyên Kiếp Ba Sinh hoặc
là Duyên Kiếp Tam Tơ.
– Đối với 4 món khai vị thường
đặt tên là Tứ Quý Hưng Long hoặc Tứ Quý Khai Hoa.
Tại sao món khai vị được ăn đầu tiên?
Món khai vị có tác dụng kích thích vị ngon của chúng ta trước khi thưởng thức những món ăn chính. Món khai vị thường được chế biến có vị chua, cay để khơi dậy các gai vị giác trên đầu lưỡi của thực khách.
Món khai vị được phục vụ mới mục đích chính là thưởng thức chứ không phải ăn no. Chính vì thế, mỗi món khai vị đều có định lượng rất ít, nhưng có từ 2 đến 4 món khác nhau. Khách mời mỗi người đều có thể chỉ thưởng thức được mỗi món 1 ít mà thôi.
>>> Xem thêm: 8 món khai vị phổ biến không thể thiếu trong thực đơn tiệc cưới của bạn
Những món khai vị trong nhà hàng tiệc cưới
Tùy thuộc vào phong cách nhà hàng mà bạn đặt tiệc cưới mà những món khai vị có thể theo kiểu Hoa, kiểu Việt hoặc là kiểu phương Tây, Âu Mỹ…
Món khai vị truyền thống Việt Nam
Đó với các món khai vị theo thực đơn tiệc cưới của Việt Nam thì phổ biến nhất là món gỏi như là: gỏi củ hủ dừa, gỏi sen tôm thịt, gỏi tiến vua, gỏi sứa, gỏi chân gà kiểu Thái… Ngoài ra, các loại chả như chả giò ngũ vị, chả giò thịt cua, chả cá cốm xanh … cũng khá phổ biến.
Món khai vị Trung Hoa
Thịt nguội bát bửu, chả giò Quảng Đông, sò huyết Tứ Xuyên, càng cua Bách Hoa … là những món khai vị thường thấy tại các tiệc cưới của nhà hàng theo phong cách Trung Hoa.
Món khai vị kiểu Âu Mỹ
Còn đối với nhà hàng theo phong cách phương tây thì món khai vị cũng mang hơi hướng của những món Tây như là Bacon cuộn hải sản, Ceasar salad, hải sản sốt rượu vang, thịt sốt phomai, salad dầu dấm trộn trái cây…
Món súp hoặc món tiềm
Tiếp theo sau món khai vị, chúng ta nên đặt món súp hoặc món canh tiềm trước khi bước vào những món ăn chính. Một điều nên lưu ý là bạn nên chọn một trong 2 món là súp hoặc là món canh tiềm, không nên chọn một lúc cả 2 món này để đưa vào thực đơn tiệc cưới của mình. Nguyên nhân là cả 2 món này đều thuộc món nước, nếu đưa cả hai món này vào chung 1 thực đơn tiệc cưới sẽ tạo cảm giác ngán cho khách mời. Mọi người cảm nhận thực đơn tiệc cưới này không phong phú.
Món súp
Món súp là món gì?
Món súp theo đúng tên tiếng anh gọi là SOUP. Chữ SOUP này nghĩa canh. Nhưng người Việt chúng ta lại có thói quen gọi món Súp là chỉ món ăn được nấu bằng những loại hải sản như bóng cá, cua, sò điệp, bào ngư, óc heo … nấu kết hợp với các nguyên liệu như bắp, tuyết nhỉ, tóc tiên, măng tây, nấm… Loại súp này có dạng sền sệt chứ không lỏng như canh mà chúng ta thường hay ăn ở nhà. Mặc dù mỗi loại nguyên vật liệu cho ra một loại súp khác nhau nhưng khi nấu ra món súp lúc nào cũng có màu trắng đục và dạng sệt.
Đến món súp, nhà hàng thường đổi chén cho thực khách để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của món này. Khi phục vụ, người ta thường mang ra một thố to và bày xung quanh đó những chén nhỏ. Nhân viên phục vụ sẽ múc từng vá súp từ thố to ra và chia đều cho từng chén nhỏ cho đến khi hết thố súp. Món súp được ăn chung với lại tiêu trắng và dấm.
Những món súp phổ biến
Món súp là món ăn rất được rất nhiều người ưa thích tại các nhà hàng tiệc cưới. Những món súp thường được mọi người đặt nhiều nhất có thể kể đến là súp bóng cá cua, súp hải sản tóc tiên, súp óc heo tóc tiên, súp bắp thịt cua, súp cua sò điệp, súp hải sâm tam tơ, súp tuyết nhỉ thịt cua…
Nếu điều kiện kinh tế tốt, bạn có thể chọn những món súp cao cấp như súp vị cá thịt cua, súp bào ngư hải vị, súp bào ngư sò điệp … Những loại súp này có giá tương đối cao vì sử dụng các nguyên liệu cao cấp như bào ngư, vi cá.
Món canh tiềm
Nếu bạn không thích món súp trong thực đơn tiệc cưới của mình, bạn có thể thay thế nó bằng món canh tiềm.
Món canh tiềm là món gì?
Món canh tiềm thực ra là món tiềm hay được nhiều người gọi là món hầm. Nguyên liệu chính của món này là gà hoặc vịt hầm hoặc tiềm với một số nguyên liệu phụ khác để ra cho ra một món canh bổ dưỡng.
Cũng giống như món súp, khi phục vụ món món tiềm, người ta mang ra một thố to. Mỗi một thố là một con gà hoặc một con vịt được tiềm đến mềm mại. Chén được bày xung quanh thố. Nhân viên phục vụ khéo léo chia thịt ra thành từng phần nhỏ và múc vào từng chén nhỏ xung quanh để phục vụ cho khách dự tiệc.
Món tiềm có vị rất thanh ngọt và bổ dưỡng. Thịt được tiềm mềm và thường có vị hơi lạc chứ không đậm đà như món quay. Nước canh tiềm có dạng lỏng như nước chứ không sền sệt như món súp.
Những món canh tiềm phổ biến
Tại các thực đơn tiệc cưới của nhà hàng, bạn dễ dàng tìm thấy những món canh tiềm như là gà tiềm thuốc bắc, gà tiềm sâm bửu lượng, gà tiềm tuyết nhỉ, gà tiềm ngũ quả, vịt tiềm hải sâm, vịt tiềm hải vị, vịt tiềm rau thơm…
Ngoài ra, còn có một số nhà hàng có những món canh tiềm rất đặc sắc như là: vịt tiềm chanh muối, vịt tiềm bá vương, gà tiềm rượu hoa điêu…
Món chính trong bữa tiệc cưới
Sau khi chọn xong món khai vị cùng với món súp và món tiềm, chúng ta sẽ bước vào những món chính trong thực đơn tiệc cưới.
Một thực đơn tiệc cưới phong phú thì thường bao gồm khoảng từ 7 đến 8 món tất cả. Trong đó, số lượng món chính trong bữa tiệc chiếm một nữa. Một thực đơn ngon và phong phú phải có từ 3 đến 4 món chính. Các món chính này rất đa dạng về kiểu chế biến từ quay, nướng, chiên, xào cho đến chưng, hấp hoặc sốt, rang. Nguyên liệu thực hiện món chính cũng rất phong phú từ hải sản, heo, bò, dê cho đến gà vịt, ngỗng, bồ câu.
Cách phân chia món chính của các thực đơn tiệc cưới của nhà hàng
Do số lượng món chính rất đa dạng và phong phú nên các nhà hàng tiệc cưới thường phân chia món chính theo nguyên liệu chế biến để người đặt tiệc cưới có thể dễ dàng chọn lựa món.
Những món ăn được chế biến từ thịt gà, thịt bò, thịt heo, thịt vịt, cá, tôm, cua đều được chia ra thành từng mục riêng và có giá cả từng món cụ thể. Đó là thực đơn tiệc cưới chọn món riêng lẻ.
Bí quyết chọn món chính vừa ngon vừa phong phú cho thực đơn tiệc cưới
Bí quyết để giúp bạn chọn được một thực đơn tiệc cưới vừa ngon vừa phong phú chính là hãy chọn những món chính đừng trùng lập nhau về cách chế biến cũng như là nguyên liệu chế biến.
Nguyên tắc không chọn trùng lập món chính về cách chế biến
Theo nguyên tắc này thì nếu bạn đã chọn món chính có một món nướng hay món quay rồi thì các món còn lại không được chọn kiểu chế biến là nướng hay quay nữa. Nguyên tắc này cũng áp dụng tương tự trên các kiểu chế biến khác của món chính.
Ví dụ: Nếu bạn đã chọn món heo sữa quay rồi thì bạn không nên chọn thêm món gà quay bánh bao hoặc là món vịt nướng chao đỏ mà chuyển sang cách chế biến khác như sốt, chiên, xào, hấp …
Tương tự như vậy, nếu bạn đã chọn món cá mú hấp hongkong rồi thì bạn không nên chọn món gà hấp muối hoặc tôm hấp dừa.
Nguyên tắc không chọn trùng lập nguyên liệu chế biến món chính
Theo nguyên tắc này thì bạn không nên chọn những món có cùng 1 nguyên liệu chế biến để đưa vào cùng 1 thực đơn tiệc cưới. Nếu bạn đã chọn một món gà thì những món sau nên thay bằng món heo, món hải sản, chứ đừng tiếp tục chọn món gà. Trong một thực đơn tiệc cưới mà món chính có 2 món trùng lập về nguyên liệu chế biến thì đó chính là một thực đơn tệ nhạt và không phong phú.
Ví dụ: trong món canh tiềm bạn đã chọn món gà tiềm ngũ quả thì trong món chính bạn nên tránh những món được chế biến từ gà như gà quay sôi chiên, gà hấp hành gừng, gà hấp cải bẹ xanh … Còn giả như bạn đã chọn món tôm lăn kim sa rồi thì không nên chọn những món tôm khác như: tôm hấp bia, tôm xào sa tế, tôm sốt XO …thay vào đó, chúng ta chọn những món nấu từ heo, vịt, mực hoặc hải sâm.
Nếu các món chính trong thực đơn tiệc cưới bạn tuân thủ được 2 quay tắc này thì chắc chắn món ăn của bạn được mọi người cảm thấy rất phong phú, mà lại rất ngon vì nó không trùng lập với nhau.
Thực đơn set menu do nhà hàng chọn sẵn
Ngoài thực đơn chọn món riêng lẻ, bất cứ nhà hàng nào đều có sẵn những bộ Set Menu do nhà hàng đã chọn sẵn cho bạn. Những Set Menu này có giá cả từ thấp đến cao. Có Set Menu 6 món, có Set Menu 7 món và cũng có Set Menu 8 món. Danh sách mỗi món trong từng Set Menu đều được nhà hàng liệt kê một cách đầy đủ để bạn tham khảo. Giá của Set Menu của nhà hàng thường thấp hơn so với giá mà bạn chọn từng món ghép lại thành một thực đơn riêng của mình.
Nếu bạn muốn chọn thực đơn theo Set Menu của nhà hàng thì cũng tốt thôi. Vì nó thật sự thấp hơn so với chọn từng món. Nhưng muốn có một thực đơn tiệc cưới vừa phong phú và vừa ngon, bạn phải xem và chọn ra những Set Menu thỏa mãn 2 nguyên tắc chọn món chính bên trên.
Lý do Set Menu nhà hàng lúc nào cũng rẻ hơn thực đơn tiệc cưới chọn món
Nhà hàng rất thích khách hàng đặt tiệc theo Set Menu mà nhà hàng đã soạn sẵn. Lý do là khi nhiều khách hàng đặt chung 1 Set Menu thì nhà hàng có thể nhập chung 1 loại nguyên vật liệu với số lượng nhiều hơn, chi phí rẻ hơn, chế biến cũng tiết kiệm thời gian hơn.
Đặc biệt hơn nữa nếu nhà hàng đó tồn kho một dạng thực phẩm nào đó nhiều quá và họ muốn đẩy bớt nó ra thì họ sẽ lập 1 Set Menu những món ăn có liên quan đến loại nguyên vật liệu đó, và bán Set Menu đó với giá khuyến mãi, khuyến khích khách hàng đặt Set Menu đó.
Món chính cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới
Món chính cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới là gì?
Một thật đơn tiệc cưới hoàn hảo sẽ bắt đầu bằng món khai vị và kết thúc bằng món tráng miệng. Món chính cuối cùng chính là món ăn được phục vụ trước món tráng miệng. Mục đích của món này chính là giúp thực khách ăn no vì thế danh sách món chính cuối cùng so với món chính có sự khác biệt hoàn toàn.
Món chính cuối cùng bao gồm những món gì?
Món chính cuối cùng thường bao gồm 3 nhóm món ăn sau đây:
– Món cơm chiên
– Món mì, hủ tíu, bún xào.
– Món lẩu.
Nguyên tắc đặt và chọn món chính cuối cùng cho thực đơn tiệc cưới.
Khi chọn món chính cuối cùng cho thực đơn tiệc cưới của mình, bạn nên theo quy tắc là chỉ được phép chọn 1 món duy nhất trong 3 nhóm món chính đã kể trên. Điều này có nghĩa là bạn đã chọn cơm chiên thì đừng chọn thêm mì xào hoặc lẩu. Đã chọn lẩu thì không chọn cơm chiên hay mì xào, đã chọn mì xào thì không chọn lẩu và cơm chiên.
Tại sao lại như vậy? Lý do rất đơn giản, đây đều là những món ăn no, mục đích của những món này là giúp những khách mời nào chưa no trong các món chính có thể lấp đầy bụng bằng những món này. Nếu bạn chọn nhiều hơn 2 món cho món chính cuối cùng thì chắc chắn khách mời sẽ ăn không hết vì quá nhiều và quá ngán. Vì vậy chỉ nên chọn đúng 1 món chính cuối cùng dành cho thực đơn tiệc cưới mà thôi.
Trường hợp đặt cả cơm chiên và mì xào cho món chính cuối cùng
Tuy nhiên, cũng có một trường hợp ngoại lệ bạn có thể chọn cả cơm và mì xào cho món chính cuối cùng. Điều kiện để chọn được như vậy là bạn phải đặt đĩa cơm size trung và đĩa mì xào size trung thay vì size lớn như các món khác. Các món ăn size trung thì thường có định lượng bằng khoảng ½ đĩa size lớn. Chính vì vậy, nếu bạn đặt 2 đĩa size trung thì cũng tương đương với 1 đĩa size lớn.
Còn đối với món lẩu thì thường nhà hàng tiệc cưới nào cũng cung cấp chỉ 1 size duy nhất nên bạn đã đặt món lẩu thì thôi, không cần phải đặt thêm cơm chiên hay mì xào cho món chính cuối cùng của mình nữa đâu.
Những món chính cuối cùng phổ biến trong thực đơn tiệc cưới
Đối với món cơm chiên, phổ biến nhất vẫn là các món cơm chiên Dương Châu, cơm đùm lá sen, cơm chiên cá mặn, cơm chiên hải sản, cơm nếp bát bửu…
Đối với món lẩu thì có các loại lẩu như: lẩu nấm, lẩu Thái hay còn được gọi là lẩu Tomyum, , lẩu hải sản, lẩu thập cẩm …
Đối với món mì, bún xào thường thấy nhất là các món: bún xào Singapore, mì xào hải sản, mì xá xíu dầu hào, mì hấp tam tơ, …
Món tráng miệng trong tiệc cưới
Món tráng miệng là món ăn được phục vụ cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới. Món này cũng được xem là món kết thúc tiệc hay là món chào tạm biệt của cô dâu, chú rể đối với các vị khách mời của mình.
Món tráng miệng thường là những món ăn nhẹ, có vị ngọt hoặc là trái cây để cân bằng vị giác cho những vị khách mời sau khi đã thưởng thức nhiều món mặn.
Món tráng miệng trong thực đơn tiệc cưới gồm những món gì?
Bạn có thể một trong 4 nhóm món ăn tráng miệng sau đây để làm món tráng miệng cho thực đơn tiệc cưới của bạn.
Món chè tráng miệng
Chè là món tráng miệng được rất nhiều người chọn. Vị ngọt và thanh của chè giúp bạn cân bằng lại vị giác sau khi thưởng thức nhiều món mặn trong tiệc cưới. Bạn có thể chọn các loại chè quen thuộc như chè đậu xanh, chè củ năng hạt sen, chè hạt sen… cho đến những loại chè cao cấp như Chè Tuyết Giáp.
Món bánh tráng miệng
Các nhà hàng phong cách Việt và Hoa thường hay sử dụng món bánh flan hoặc bánh rau câu làm món tráng miệng. Còn một số nhà hàng theo phong cách tây thì sử dụng thêm các loại bánh lạ như bánh Mousse trái cây, bánh Tiramisu, hoặc các loại bánh phô mai, bánh hạnh nhân, bánh Chocolate.
Món trái cây tráng miệng
Có thể nói, trái cây là món tráng miệng có giá thành rẻ nhất so với tráng miệng bằng món chè hoặc món bánh. Đĩa trái cây thập cẩm được nhà hàng trình bày cực kỳ đẹp mắt. Tùy thuộc vào mùa trái cây, loại trái cây nào đang trong mùa, giá rẻ sẽ được bên nhà hàng chọn mua và đưa vào đĩa trái cây thập cẩm tráng miệng. Chính vì thế, khi bạn chọn món tráng miệng là trái cây thập cẩm thì luôn có mức giá rẻ nhất trong tất cả các món tráng miệng.
Ngoài trái cây thập cẩm, bạn có thể yêu cầu nhà hàng phục vụ một loại trái cây mà mình chỉ định làm món tráng miệng. Bạn có thể chọn loại trái cây ưa thích như nho mỹ, lê, táo … cho đến những loài trái cây lạ như Kiwi, Việt Quất, Cherry… Đương nhiên, nếu bạn chọn theo kiểu này thì nhà hàng sẽ tính giá món tráng miệng cao hơn.
>>> Xem thêm: 6 điều làm khách mời phiền lòng khi dự tiệc cưới
>>> Xem thêm: 5 loại khách không nên mời trong tiệc cưới của bạn
Nhìn con cá trong hình mà thèm chảy nước vải.
Heo sữa quay lớp da giòn rụm, thơm phức. Nghỉ tới là thèm rồi
Mong hết dịch để được áp dụng thực đơn Ad chia sẻ, rất hay ạ