Phong tục cưới hỏi của người dân tộc ở Tây Nguyên

Trong 54 dân tộc sống ở Việt Nam thì phong tục cưới hỏi của người dân tộc ở Tây Nguyên mang nhiều sắc thái đặc trưng và độc đáo.

Đất nước Việt Nam chúng ta có tổng cộng 54 dân tộc cùng sinh sống trên quốc gia hình chữ S. Mỗi dân tộc đều có một truyền thống văn hóa đặc trưng và đặc sắc trong đời sống văn hóa và trong phong tục cưới hỏi. Trong số đó, có rất nhiều dân tộc thiểu số được tập trung tại vùng Tây Nguyên như dân tộc Giẻ Triêng, dân tộc M’nông, dân tộc Ê Đê … Các dân tộc này trong hôn lễ và đời sống có những tục lệ rất khác biệt so với hôn lễ của đại đa số người Việt chúng ta.

Nhìn chung, nam nữ thanh niên ở vùng Tây Nguyên được tự do tìm hiểu và yêu đương. Những ngày lễ, ngày hội của làng là dịp để các đôi trai gái của vùng Tây Nguyên có thể gặp gỡ và tỏ tình với nhau. Nơi gặp gỡ và tỏ tình của họ có thể là ở trong rừng, ở các khu nương rẫy hoặc ở trong nhà rông.

Phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng

Giẻ Triêng là dân tộc có nền văn hóa dân gian khá đặc sắc và cũng bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyề thống của dân tộc họ. Dân tộc này sinh sống nhiều nhất tại tỉnh Kon Tum (chiếm 62%  tổng số người Giẻ Triêng tại Việt Nam) thuộc vùng Tây Nguyên.

Các cô gái người Giẻ Triêng đến tuổi lấy chồng sẽ được cha mẹ làm cho những cái lều xung quanh làng. Nơi đây được sử dụng làm nơi hẹn hò. Khi đã để ý đến chàng trai nào, các cô gái sẽ mời chàng trai đó tối đến ở cùng. Sau 5 đêm tâm sự, nếu chàng trai chưa thổ lộ tình cảm thì phải nộp phạt cho nhà gái một con gà và một ché rượu.

Người Giẻ Triêng quan niệm lễ cưới được tổ chức bất ngờ bao nhiêu thì đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Trong ngày cưới, một người làm lễ hợp cẩn, đôi nam nữ trao nắm cơm với ít gan gà cho nhau ăn. Tiếp đó, họ sẽ cùng nhau uống ly rượu. Có một số chỗ, trong buổi lễ này, một người được giao phụ trách đánh chiêng để tập hợp dân làng lại. Họ sẽ đặt đôi trai gái nằm trên chõng tre để ngay giữa nhà và cùng đắp chung 1 tấm chăn. Lại có một số nơi, người chủ hôn sẽ ngắt một vài sợi tóc của cô dâu và chú rể bỏ lẫn lên đầu nhau với ý nghĩa hòa nhập hai linh hồn của họ với nhau.

Phong tục bó củi hứa hôn của người Giẻ Triêng
Phong tục bó củi hứa hôn của người Giẻ Triêng

Những người Giẻ Triêng vẫn còn giữ lại phong tục cổ xưa của dân tộc họ trong cưới xin chính là phong tục Bó Củi hứa hôn hay còn được gọi là củi chồng vợ. Khi đến tuổi cặp kè, những cô gái người Giẻ Triêng sẽ lên rừng đốn củi mang về nhà. Củi sau khi được đốn sẽ được xếp thành từng bó một gọn gàng. Các bó củi này được sử dụng để mang về nhà người con trai mà các nàng sẽ lấy làm chồng. Củi được đốn có hình thù đẹp hay xấu, thẳng hay công đều không quan trọng, vì nó thể hiện sự chăm chỉ, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ Giẻ Triêng.

Phong tục cưới hỏi của người dân tộc M’nông

Người M’nông sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng trong đó tại Đăk Lăk, Đăk Nông chiếm đến hơn 70% người M’nông trên toàn quốc.

Trong lễ hỏi của người M’Nông, người mai mối đem hai ống lồ ô trong đựng măng chua và da trâu thái nhỏ sang nhà gái cầu hôn. Nếu nhà gái đồng ý thì nhận hai ống lồ ô để làm vật giao ước. Nếu việc cầu hôn bị từ chối, ông mối mang bát gạo do nhà gái đưa cho để báo lại việc từ hôn cho nhà trai biết.

Lễ cưới của người M’nông mở đầu bằng việc nhà gái mang biếu họ hàng nhà trai mỗi người một tô gạo đầy. Mỗi tô gạo này sẽ tương ứng với một cái ché mà nhà trai phải tặng lại cho nhà gái. Ngày đám cưới, hai người làm chứng đại diện cho hai họ xúc cho cô dâu và chú rể mỗi người ba miếng cơm. Sau đó, cô dâu và chú rể cũng xúc trải lại cho hai người làm chứng ăn.

Ảnh cưới của hai bạn trẻ người M'nông trong trang phục dân tộc
Ảnh cưới của hai bạn trẻ người M’nông trong trang phục dân tộc

Sau đó, đôi vợ chồng mới cưới uống rượu chung trước tiên để mở đầu cho bữa tiệc cưới kéo dài đến tận 3 ngày. Sau khi cưới, cô dâu và chú rể không ra khỏi nhà và tránh gặp người lạ trong vòng 7 ngày.

Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Gia Rai

Thông thường, sau khi hai bên trai gái đồng ý, họ sẽ thưa với cha mẹ và nhờ người mai mối đi hỏi. Qua mai mối, các thiếu nữ Gia rai và Ê Đê nhắn ngõ tình cảm và đưa tặng người yêu chiếc vòng tay. Nếu người con trai đồng ý nhận vòng thì hôn lễ sẽ được cử hành.

Lễ đính ước của người Gia Rai được tổ chức qua bữa tiệc rượu cần ở nhà gái. Hôm đó, đôi trai gái cùng vít cần rượu uống chung. Tiếp theo, họ sẽ trao đổi vòng đeo tay cho nhau, Việc trao đổi vòng tay thể hiện sự cam kết thủy chung của họ. Tiếp theo là đoán số phận qua giấc mơ lành dữ. Trong đêm tân hôn, nếu đôi vợ chồng thấy giấc mơ xấu thì phải đến nhờ ông mối cầu thần linh cho chung sống trong một năm để hoãn mộng. Đến hẹn, nếu vợ chồng vẫn gặp mộng xấu, họ có thể sẽ phải bỏ nhau.

Phong tục cưới hỏi của người Cà Dong

Trong đám cưới của người Cà Dong có tổ chức lễ ăn thề không bỏ nhau của đôi vợ chồng.Cô dâu và chú rể sẽ trao cho nhau 9 miếng trầu và 9 miếng cau, với ý nghĩa là chúc nhau sức khỏe và bên nhau mãi mãi. Sau đó, chú rể sẽ trao cho cô dâu chuỗi cườm, cô dâu trả lễ bằng cách tặng lại cho chồng mình chiếc vòng đồng.

Vợ chồng mới cưới người Cà Dong có phong tục lấy cơm nắm bôi lên đầu nhau với ý nghĩa muốn hồn của 2 người hòa nhập vào nhau. Họ còn lấy máu gà thoa lên trên trán nhằm xua đuổi hồn dữ ra khỏi thể xác.

Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Mạ

Trong phong tục đám cưới của người Mạ, trong ngày cưới, mọi người phủ một cái chăn lớn được thêu dệt rất công phu lên đôi nam nữ không bận trang phục. Sau đó, họ cụng đầu của đôi nam nữ vào nhau 7 lần. Sau một chốc tượng trưng cho thời gian của một đêm hoa chúc, đôi nam nữ thức dậy. Họ lấy một bát thịt gà, rượu và vòng tay ra. Người chồng sẽ đeo cho người vợ, ngược lại, người vợ sẽ đeo lại cho người chồng.

Đám cưới của người Mạ
Đám cưới của người Mạ

Sau khi hoàn tất việc đeo vòng cho nhau, hai vợ chồng sẽ cùng uống rượu và ăn thịt gà. Sau một thời gian, nhà gái mang củi sang nhà trai để làm lễ củi. Số lượng gùi củi tương ứng với số khăn mà nhà gái tặng họ nhà trai.

Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Ê Đê

Trong đám cưới của người Ê Đê có tục té nước vào chú rể như tục mở cửa nhà của người dân tộc Thái. Khi rước chàng rể về nhà gái, bạn bè của chú rể sẽ chạy trước đón đường và té nước vào người cô dâu và chú rể. Mỗi lần như vậy, nhà gái phải nộp cho những người té nước một số lễ vật. Trong tư tưởng của Ê Đê cho rằng: đám cưới nào có càng nhiều người chặn đường và té nước, thì cô dâu và chú rể sau này có cuộc sống càng nhiều hạnh phúc. Thậm chí đến khi chết sẽ có nhiều người thương tiếc, khóc lóc cho họ.

Trang phục lễ hội của người Ê Đê
Trang phục lễ hội của người Ê Đê

Sau lễ ăn hỏi, người Ê Đê thường có tục gửi dâu, họ hàng nhà gái dẫn cháu gái đến nhà chồng chưa cưới ở như con trong gia đình. Thời gian gửi dâu càng lâu thì sính lễ nhà gái phải nộp cho nhà trai càng được giảm xuống.

Đám cưới người Ê Đê thường được tổ chức vào cuối năm. Lúc ấy, nhà nhà đều có thời gian rảnh và đã no đủ sau một năm làm lụng.

Tuy theo phong tục mỗi dân tộc của người Tây Nguyên mà cặp tân lang tân nương sẽ ở lại sinh sống bên nhà gái hoặc bên nhà trai. Đối với những dân tộc như Gia Rai, M’nông, Ê Đê, Cơ Ho … sau ngày cưới, cô dâu và chú rể sẽ sống ở nhà bên vợ.

Còn đối với dân tộc Mạ thì họ lại sống bên nhà chồng. Các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, vợ chồng mới cưới sẽ luân phiên sống ở nhà chồng 3 đến 5 năm rồi lại chuyển qua sống bên nhà gái cũng chừng ấy thời gian.

>>> Xem thêm: Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn

>>> Xem thêm: Lễ gia tiên trong cưới hỏi truyền thống của người Việt

, , , , , , , , , , ,

3 bình luận trong “Phong tục cưới hỏi của người dân tộc ở Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *