Tục mai mối và tục nộp cheo trong đám cưới của người Việt xưa

Tục nộp cheo và tục mai mối là hai trong nhiều phong tục đám cưới của người Việt xưa từ thời phong kiến. Đây được xem là 2 tục lệ quan trọng trong cưới hỏi của người thời xưa.

Tục lệ mai mối của người Việt chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa của Trung Quốc. Nó được lưu truyền vào Việt Nam và tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến của đất Việt.

Tục mai mối trong đám cưới của người Việt xưa

Khi muốn tìm vợ cho con trai, gia đình nhà trai nhờ ông mai hay bà mối sang nhà cô gái để ngỏ ý thăm dò trước.

Ông mai, bà mối là ai?

Ông mai và bà mối phải là những người lớn tuổi, có tính tình vui vẻ, hoạt bát, được hàng xóm láng giềng kính trọng. Và còn một điều quan trọng nữa chính là, họ phải là những người đã có gia đình, có con cái nhiều, trong đó có con gái lẫn con trai, trong gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Bên nhà trai sẽ ghi tên họ và tuổi của người con trai rồi nhờ người mai mối sang trao cho nhà gái. Nếu nhà gái bằng lòng thì cũng cho người làm mai biết tên tuổi, ngày sinh của con gái mình. Người làm mai mối là người có công rất lớn trong việc chắp mối lương duyên cho đôi trai gái nên vợ nên chồng. Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng chỉ qua môi giới của những ông mai bà mối. Vì thế, đến tận lễ vu quy họ mới thật sự biết mặt được người vợ hoặc là người chồng của mình.

Sau khi biết được tuổi của đôi nam nữ, nếu tuổi của người nam và người nữ hợp với nhau thì hai họ quyết định tiến hành lễ cưới, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Người xưa tin rằng, tuổi tác quyết định hạnh phúc gia đình và đường con cái trong hôn nhân. Có khi, tuổi tác còn quyết định cả sinh mệnh của cả hai vợ chồng nữa, vì thế việc tính tuổi tác trước khi kết hôn là một việc quan trọng, không thể bỏ qua.

Vai trò của người mai mối trong hôn lễ xưa

Trong giáo lễ của người xưa tồn tại một câu là “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Câu này có nghĩa là trai gái chưa chồng, chưa vợ không được phép gần gũi nhau. Chính vì điều này mà nam nữ thời xưa ít có cơ hội được tìm hiểu nhau, lựa chọn cho riêng mình người bạn đời phù hợp với mình. Không có nhiều cơ hội quen biết nên để lấy vợ, lấy chồng, các đôi nam nữ đều phải thông qua cha mẹ hoặc thông qua mai mối.

Nam nữ thời xưa đám cưới đều qua mai mối
Nam nữ thời xưa đám cưới đều qua mai mối

Rất nhiều trường hợp, con cái đến tuổi thành gia lập thất, cha mẹ vẫn chưa tìm được người ưng ý để kết hôn với con mình. Họ chọn cách là tìm đến những người chuyên giới thiệu người kết hôn. Những người này có mối quan hệ rộng lớn, có thể cung cấp những thông tin về gia cảnh, tuổi tác, trình độ … của những cô gái và chàng trai cho gia đình tham khảo và lựa chọn. Những người này được gọi là ông mai, bà mối. Hay được gọi ngắn gọn hơn là người mai mối.

Thời đó, mỗi một làng có khoảng hai đến ba người làm nghề mai mối, xe duyên cho những cặp trai gái trong làng. Họ gần như nắm rõ toàn bộ thông tin và gia cảnh của những người trong làng, thậm chí ở các ngôi làng lân cận nữa. Khi có gia đình nào nhờ cậy mai mối cho con cái của họ, những người làm mai này sẽ tìm trong danh sách của mình người phù hợp và cung cấp thông tin tuổi tác, gia cảnh của người ấy cho gia đình nhờ cậy.

Vai trò của các ông mai, bá mối xưa có thể nói là rất quan trọng. Trong xã hội phong kiến xưa của người Việt cũng thừa nhận vai trò này: “Đẹp như rối không mối không xong”. Có rất nhiều hôn lễ thành công tốt đẹp cũng là nhờ công của người mai mối chắp mối lương duyên cho đôi trai gái nên vợ nên chồng.

Gian lận trong hôn nhân thông qua mai mối

Như đã nói trên, vợ chồng nên duyên đều thông qua mai mối trong hôn nhân thời xưa. Điều này có nghĩa là người vợ và người chồng không biết mặt mũi của nhau. Cho đến khi hôn lễ cử hành thì họ mới biết được mặt mũi của người vợ hoặc người chồng của mình.

Một số gia đình đã lợi dụng điều này để đánh tráo cô dâu hoặc chú rể. Trong một số gia đình có nhiều người con, trong đó có người bị khuyết tật hoặc khiếm khuyết về một mặt nào đó, khó mà có người chịu lấy. Gia đình đó tìm cách nhờ mai mối kiếm người làm mai cho người em hoặc người chị xinh đẹp, lanh lợi. Họ đưa chân dung, tuổi tác của người này cho gia đình bên kia. Gia đình bên kia xem và cảm thấy rất hài lòng, quyết định cưới cho con mình. Nhưng đến ngày cưới, họ lại đánh tráo người lanh lợi, xinh đẹp thành người con có khiếm khuyết. Khi lễ cưới đã cử hành xong, đôi trai gái mới biết mặt nhau thì đã muộn, không thể từ chối được nữa.

Như vậy, gia đình đó đã lợi dụng mai mối để tìm cách gian lận đánh tráo người, tìm cách lấy vợ hoặc lấy chồng cho người con có khiếm khuyết của mình.

Tục lệ nộp cheo trong đám cưới Việt xưa

Nộp cheo là gì?

Nộp cheo hay còn gọi là tiền cheo. Nộp cheo là một số tiền hoặc là một số lễ vật mà nhà trai nộp cho bên nhà gái hoặc nộp cho làng xã của bên nhà gái trước khi muốn cưới người con gái của làng đó.

Tục lệ nộp cheo.

Trước khi đôi trai gái muốn lấy nhau, nhà trai phải nộp một số lễ vật cho bên nhà gái. Việc nộp lễ vật này được gọi là nộp cheo.

Cheo là số tiền công ích nhỏ hoặc là năm bảy chục, một trăm viên gạch để đóng góp cho làng. Trưởng làng sẽ lấy số gạch này để làm giếng, xây đường trong làng, phục vụ cho lợi ích của người dân trong làng. Trong đám cưới của người Việt xưa thì đây là lễ vật bắt buộc phải có, không có cheo thì đám cưới không thành. Người xưa cũng có câu là:

Có cưới mà chẳng có cheo
Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh

Trai gái trong cùng một làng lấy nhau, nộp cheo ít hơn. Còn đối với trai ngoài làng lấy gái trong làng thì phải nộp cheo nhiều hơn.

Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng

Hoặc cũng có câu:

Cưới vợ không cheo, như tiền gieo xuống suối

Nguồn góc của tục lệ nộp cheo

Về nguồn góc của phong tục nộp cheo, lệ nộp cheo có thể bắt nguồn từ tục “lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng.

Trước kia, khi có đám cưới, người trong làng tổ chức đón mừng hôn lễ. Họ chăng một giảy lụa đỏ ngang đường, có nơi còn đốt pháo để chúc mừng cô dâu và chú rể. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu mời họ ăn trầu cau và tặng quà tiền. Dần dần, một số người đã lợi dụng tục lệ này để vòi tiền, sách nhiễu. Triều đình thời xưa cũng đã nhận ra điều đó. Do vậy, triều đình đã ra luật lệ là cho phép làng xã được thu tiền cheo.

>>> Xem thêm: Tục chăng dây trong cưới hỏi là gì?

Từ đó về sau, tục lệ nộp cheo đã trở thành một phần của văn hóa làng, vì vậy không ít thơ ca đã nói đến điều này. Nó như một cách ví von cho một lời hứa hẹn hôn nhân đầy tốt đẹp.

Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau

Khi đã nộp cheo cho làng, tức là đám cưới đã được công nhận. Người trưởng làng cũng cấp giấy biên nhận đã nhận tiền nộp cheo và trao giấy này cho nhà trai. Thời xưa, giấy biên nhận đã nộp cheo cho làng  được người xưa coi như tờ giấy xác nhận kết hôn hay là giấy hôn thú.

>>> Xem thêm: Kinh nghiệm tự tổ chức đám cưới một cách tiết kiệm

>>> Xem thêm: Phương pháp lập ngân sách đám cưới

, , , , , , , , , , , ,

2 bình luận trong “Tục mai mối và tục nộp cheo trong đám cưới của người Việt xưa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *