Trang phục cưới thời xưa của 3 miền có gì khác nhau?

Mặc dù cùng chung 1 đất nước nhưng trang phục cưới thời xưa của 3 miền có sự khác biệt rất lớn. Sự khác nhau này được ảnh hưởng bởi phong tục, thời cuộc và khí hậu khác nhau của mỗi miền. Sự khác nhau nhiều tập trung ở trang phục cưới thời xưa của cô dâu. Còn trang phục cưới của chú rể thời xưa ít có sự khác biệt.

Trang phục cưới thời xưa của cô dâu miền Bắc

Thời xưa trong đám cưới của các gia đình bình dân ở miền Bắc, trang phục mà các cô dâu mặc trong ngày cưới cũng chính là trang phục các cô mặc trong những ngày hội cổ truyền của dân tộc. Trong ngày cưới của mình, các cô dâu ngoài chiếc váy đen thì họ thường mặc bộ áo mớ ba. Bên ngoài mặc chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh hoặc màu vàng  với màu hồ thủy. Sau đó đến áo cánh trắng và cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch.

Trang phục cưới thời xưa của người miền Bắc
Trang phục cưới thời xưa của người miền Bắc

Thắt lưng của các cô gồm hai chiếc bằng lụa màu hoa đào và hoa lý. Bên ngoài cùng là thắt lưng sồi se hoặc là vải sa màu đen. Cả 3 thắt lưng này đều có tua ở 2 đầu.

Tóc các cô dâu đều để dài và hầu hết các cô dâu đều chỉ có 1 kiểu tóc trong ngày cưới là kiểu vấn khăn. Đầu khăn gài chiếc đinh ghim, có đính con bướm vàng chạm bạc. Tóc để kiểu tóc đuôi gà.

Trên đường đưa dâu trong ngày cưới, các cô dâu sẽ đội nón thúng quai thao. Chiếc nón thúng quai thao này có nhiệm vụ che mặc cô dâu để cô đỡ thẹn thùng với mọi người. Cô dâu miền Bắc thời xưa đi dép cong.

Nón thúng quai thao
Nón thúng quai thao

Nón thúng quai thao là loại nón có kích thước lớn, đường kính chiếc nón khoảng từ 70-80 cm, ôm trọn khuôn mặt người đội, tạo không gian rộng rãi, thông thoáng, mát mẻ.

Mặt phẳng của nón được đan bằng lợp bằng lá gội hoặc lá cây cọ, phía dưới là thành gần đáy cao 10-12 cm. Giữa chiếc có một vành tròn, giống như chiếc khăn vấn, cao khoảng 8 cm, vừa đầu, gọi là “cái khua”. Khua cần có độ dẻo dai để chịu được khối nặng của nón. Việc sản xuất khua nón cũng rất đặc biệt: nó được làm bằng sợi tre đánh bóng mịn và được khâu bằng sợi tơ tằm nhiều màu sắc. Các đường xếp so le thành hình hoa lá, chim muông.

Đồ trang sức và nữ trang của các cô dâu miền Bắc trong ngày cưới gồm có khuyên đeo tai bằng vàng hoặc bằng bạc. Các cô dâu còn đeo bộ xà tích, con dao và ống vôi … bằng bạc được chạm trổ tinh vi trên người.

Trang phục cưới thời xưa của cô dâu miền Trung

Cũng tương tự như trang phục cưới thời xưa của các cô dâu miền Bắc, các cô dâu miền Trung thời xưa cũng có phong tục mặc áo mớ ba trong ngày cưới. Mặc dù vậy áo mớ ba của các cô dâu miền Trung thời xưa có màu sắc hơi khác với áo mớ ba của các cô dâu miền Bắc thời xưa. Cụ thể các cô dâu miền Trung thời xưa sử dụng màu áo đỏ hoặc màu hồng điều trong cùng. Áo giữa bằng the hay vân the màu xanh chàm. Chiếc áo ngoài cùng của các cô dâu miền Trung thời xưa cũng bằng the hay vân the màu đen.

Áo mớ ba là mặc lồng 3 chiếc áo ngũ thân tay chẽn. Chiếc ngoài cùng làm bằng sa một lớp, thấu quang ẩn hiện 2 lớp bên trong màu điều, hoa thiên lý hoặc màu xanh ngọc. Áo lót trong cùng là chiếc yếm có dây lụa trắng. Eo được thắt bằng dây lưng lụa, trên đầu vấn khăn đính bướm vàng hoặc bạc.

Trang phục cưới thời xưa của người Việt Nam
Trang phục cưới thời xưa của người Việt Nam

Có những cô dâu mặc lồng hai áo. Trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều. Áo bên ngoài là vân the màu xanh chàm để tạo nên một màu tím nền nã.

Khác với những cô dâu Bắc Bộ thời xưa, cô dâu miền Trung bộ ngày xưa mặc quần trắng và đi hài thêu trong đám cưới của mình. Tóc các cô chải lật, búi sau gáy. Về trang sức thì cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Tay đeo vòng vàng hoặc xuyến vàng …

Trang phục cưới thời xưa của cô dâu miền Nam

Trang phục cưới thời xưa của các cô dâu miền Nam Bộ bao giờ cũng là bộ áo dài gấm, quần lĩnh đen, chân đi hài thêu. Kiểu tóc thường thấy nhất của các cô dâu miền Nam thời xưa chính là kiểu tóc dài chải lật bôi dầu dừa bóng mượt, búi lại cuốn 3 vòng phía sau đầu. Mái tóc cưới của các cô được cài lược “bánh lái” bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc. Đối với gia đình nào có kinh tế khá giả, giàu có thì cô dâu cài những chiếc tram bằng vàng. Đầu trâm có đính lò xo nhỏ nối tiếp với một con bướm bằng vàng hoặc bằng bạc. Cô đeo dây chuyền nách hay còn được gọi là xà nách bằng vàng. Ngoài ra các cô còn đeo nhiều chuỗi hột vàng ở cổ…

Trang phục cưới thời xưa của người Việt Nam
Trang phục cưới thời xưa của người Việt Nam

Từ sao thập niên 40 của thế kỷ 19, những cô dâu miền Nam con nhà giàu thường mặc áo thụng bằng gấm màu đỏ hoặc màu vàng. Trên thân áo có thêu họa tiết rồng phượng. Cánh tay áo dài và rộng. Các cô dâu sẽ mặc quần trắng và đi giày vân hài bằng nhung màu đỏ hoặc màu vàng hay màu lam có thuê hình rồng phượng bằng hạt cườm hoặc là chỉ kim tuyến lấp lánh. Đầu đội khăn vành dây bằng nhiễu màu lam hoặc màu vàng quấn thành nhiều vòng quanh đầu.

Trang phục cưới ngày xưa của người Việt
Trang phục cưới ngày xưa của người Việt

Bộ trang phục cưới như thế này thường được người dân miền Nam coi là kiểu hoàng hậu và nó phổ biến từ miền Trung ra đến miền Bắc. Có những cô dâu mặc áo dài bằng vải mình khô hoa ướt hoặc bằng gấm hoa, sa tanh hay nhung đỏ… mặc quần lụa trắng, cổ đeo kiềng hoặc dây chuyền. Tay đeo xuyến, vòng.

Trang phục cưới của chú rể ngày xưa

Trang phục cưới thời xưa của chú rể ở cả ba miền đều giống nhau. Các chàng thường mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam. Quần màu trắng ống sớ, búi tóc, chít khăn nhiễu màu lam. Chân đi văn hài thêu đẹp.

Chú rể của những thập niên 20, thập niêm 30 của thế kỷ 19 thường mặc áo the thâm, trên nền áo dài trắng bên trong. Quần trắng ống sớ, đi giày Gia Định, đội khăn xếp. Khi làm lễ tơ hồng, lễ nhà thờ thì họ lại khoác thêm áo thụng lam.

Áo Thụng là chiếc áo dài mà cô dâu hoặc chú rể mặc bên ngoài. Đây là loại áo dài có chiều dài và chiều rộng lớn hơn so với chiếc áo dài mặc bên trong. Tay áo của chiếc áo thụng cũng khá rộng có thể lên đến 30 cm. Áo thụng thường được may bằng chất liệu vải gấm dày, màu lục sậm, xanh sậm hoặc xanh lam có dệt hoa văn

Áo cưới ngày xưa của người Việt Nam
Áo cưới ngày xưa của người Việt Nam

Khi văn hóa phương Tây mới du nhập vào Việt Nam đã tạo ra sự thay đổi trong trang phục cưới của chú rể. Các chàng trai ngày càng có xu hướng chọn các loại trang phục cưới mang phong cách phương Tây hơn là truyền thống bởi sự đơn giản và dễ dàng khi mặc. Ở các thành phố lớn chú rể chỉ mặc bộ Comle, thắt cà vạt hay cài nơ ở cổ, chân đi giày da. Còn ở vùng quê, chú rể vẫn giữ cách ăn mặc truyền thống là áo the, quần trắng, đội khăn xếp.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành thiết kế thời trang, bên cạnh xu hướng toàn cầu hóa và bùng nổ về công nghệ thông tin và Internet, thì trang phục cưới của người Việt đã trở nên vô cùng phong phú. Các bạn trẻ hiện nay có thể chọn váy cưới và áo Vest theo trang phục hiện đại hoặc chọn kiểu áo dài truyền thống khi làm đám cưới. Ngoài ra những trang phục truyền thống của nước ngoài như sườn xám, áo khỏa của Trung Quốc, áo Kimono của Nhật, áo Hanbok của Hàn Quốc … cũng được các bạn trẻ chọn mặc khi chụp ảnh cưới.

>>> Xem thêm: Bàn Gallery đám cưới là gì? Tại sao cần phải có bàn Gallery trong đám cưới?

>>> Xem thêm: Ý nghĩa của chiếc nhẫn đính hôn

, ,

3 bình luận trong “Trang phục cưới thời xưa của 3 miền có gì khác nhau?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *