Dấu ấn trong phong tục cưới hỏi người Nùng ở Việt Nam

Phong tục cưới hỏi người Nùng khá cầu kỳ nhưng cũng có rất nhiều điểm độc đáo và khác biết với các dân tộc khác ở nước ta. Dấu ấn văn hóa trong tục cưới hỏi của họ phản ảnh chân thực cuộc sống đời thường của người dân tộc Nùng.

Giới thiệu về người Nùng và dân tộc Nùng

Người Nùng là một dân tộc trong số 54 dân tộc của nước ta. Ngôn ngữ chính thức của người Nùng là tiếng Nùng. Dân tộc Nùng có văn hóa và ngôn ngữ gần giống với dân tộc Tày. Theo cuộc điều tra dân số vào năm 2009 thì dân số người Nùng ở Việt Nam vào khoảng gần 1 triệu người. Đây là dân tộc có dân số đông chiếm thứ 7 tại nước ta.

Người Nùng sống tập trung đông nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc như là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn… Một số khác được phân bố tại các tỉnh Tây Nguyên như là Đắk Lắk, Đắk Nông …

Các phong tục cưới hỏi của người Nùng ở Việt Nam

Trong các nghi lễ cưới hỏi, người con gái Nùng được đánh giá rất cao. Muốn lấy được vợ cho con mình thì nhà trai phải thực hiện đầy đủ các lễ là: Lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Có như vậy nhà gái mới chấp nhận gã con gái cho bên nhà trai và người con gai cũng làm vẻ vang cho cha mẹ, họ hàng của mình.

Người Nùng không có phong tục là làm lễ hỏi là sau đó tổ chức lễ cưới ngay. Muốn làm lễ cưới thì sau khi làm lễ hỏi xong phải chờ đợi một thời gian. Người Nùng cũng không có phong tục quy định là chị phải lấy chồng trước thì em mới được lấy chồng. Vì thế, nếu người em gái kiếm được ý chung nhân thì hoàn toàn có thể tổ chức đám cưới trước chị của mình.

Trong tục lệ cưới hỏi của người Nùng thì họ cho phép con cái của mình được tự do yêu đương và lựa chọn vợ hoặc chồng cho mình mà không phải chịu sự cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mặc dù vậy, trước khi tiến đến hôn nhân thì những bạn trẻ phải được sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Điều này nhằm tạo sự “Danh Chính Ngôn Thuận” cho mối quan hệ của họ. Nếu không có sự đồng ý của cha mẹ thì mối quan hệ đó sẽ bị xem như là tự ý, không theo phép tắc và rất có thể sẽ bị làng xóm chê bai, coi thường.

Lễ dạm hỏi của người Nùng

Lễ dạm hỏi của người Nùng thường được cử hành vào ngày chẵn theo âm lịch. Mặc dù vậy họ cũng rất kiêng những ngày cấm kị. Nhà trai trình bản so mệnh hợp nhau của đôi trai, gái sau đó nhà trai xin bản lục mệnh chính thức (lá số tử vi) của cô gái. Bản lục mệnh này được viết trên giấy hồng điều. Như vậy lễ dạm hỏi chính thức được công nhận.

Tục lệ so tuổi của người Nùng được thực hiện như sau: Nhà trai mang sang nhà gái một đôi hạt cau khô để xin lá số của cô gái. Sau một tháng nếu nhà gái không trả lại đôi hạt cau thì coi như nhà gái đã ưng thuận, nhà trai sẽ đến hỏi lần thứ hai để hai gia đình định ngày đính hôn và thỏa thuận sính lễ

Người Nùng có quan niệm rằng nếu trên đường đi làm lễ dạm hỏi gặp rắn là tốt nếu gặp người đàn bà gội đầu hoặc nghe thấy tiếng tu hú kêu trên đường đi là gặp điều xui xẻo.

Lễ ăn hỏi của người Nùng

Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ dạm hỏi ít nhất một vài tháng. Đó là ngày lễ trang trọng để định ngày ăn hỏi cho nhà trai đưa ra. Để nhà gái có thời gian chuẩn bị mời họ hàng xa gần, bạn bè đến tham gia, nhà trai báo trước khoảng 1 tháng. Trong ngày này nhà trai, nhà gái bàn những việc hệ trọng như: Định lễ vật cưới là những gì, của hồi môn, ngày, tháng, năm cưới, ngày giờ đón cô dâu… Lễ ăn hỏi thường gồm đôi gà sống thiến, rượu, thịt lợn, gạo nếp, và bánh dày. Cùng đi với gia đình, họ hàng nhà trai là ông mối.

Tục sêu Tết của nhà gái.

Vì ăn hỏi sớm, lại không cưới ngay trong ngày tết truyền thống của người Nùng phía nhà trai phải tuân theo tục lệ sêu tết nhà gái. Tục sêu tết này là điều khẳng định sự gắn bó giữa hai gia đình, là cách làm thân giữa hai họ. Người Nùng có hai ngày tết cổ truyền là Tết Nguyên đán và Tết Rằm tháng bảy âm lịch. Nhà trai phải sêu tết đều đặn các ngày này như nhau cho đến ngày làm lễ cưới.

Theo phong tục, Tết Nguyên đán vào đầu xuân nên nhà trai phải mang lễ vật là hai con gà sống thiến to và béo. Tết Rằm tháng bảy vào mùa hè phải sêu bằng vịt bầu to, béo mập, vài ống gạo nếp, hai cân thịt lợn, hai chai rượu trắng. Lễ vật phải mang đến nhà gái trước các ngày tết từ 5 đến 7 ngày.

Lễ cưới của người Nùng ở Bắc Kạn

Đến lễ báo ngày cưới, nhà trai mang lễ vật gồm: thịt, gạo nếp, rượu, bánh dày trên hai chiếc mâm, bày ra để họ hàng nhà gái chứng kiến. Chính lễ báo ngày cưới này xác định không thay đổi về ngày làm lễ cưới, giờ đón dâu. Trước kia, ở lễ cưới hai bên nhà trai, nhà gái ăn uống linh đình suốt ba ngày, giờ đã giảm đi nhiều.Tập quán chung của người Nùng là ngày đầu ăn cưới ở nhà gái, sang ngày thứ hai ở nhà trai nhưng nhiều nơi tiến hành giống như lễ cưới của người Tày.

Sính lễ cưới của người Nùng

Lễ cưới thường được tổ chức vào mùa khô. Trước hôm cưới nhà trai mang lễ vật gồm thịt lợn, rượu, gạo nếp, bánh dày… đến nhà gái theo yêu cầu. Các sính lễ cưới này phải bày ra để họ nhà gái chứng kiến. Trước đông đủ họ nhà gái, nhà trai trao số tiền mặt đã được quy định trong lễ ăn hỏi cho nhà gái để nhà gái mua sắm thêm: Chăn màn, quần áo, hòm, giường, chậu thau, mâm đồng, bát đĩa…

Lễ đón dâu trong phong tục cưới hỏi của người Nùng

Lễ đón dâu, đưa dâu, nhà trai sang nhà gái thành đoàn gồm có ông mối hoặc bà mối, rồi đến chú rể và các bạn chú rể, hai chàng trai khiêng một con lợn quay vàng óng, một cậu con trai gánh xôi, một cô gái gánh tám con gà sống thiến, một con gà luộc, một dải lụa hồng và một mảnh vải đẹp, bước ra khỏi nhà kiêng kị không ai được giẫm lên bậc cửa.

Khi đi đón dâu nhà trai ông mối…. Ông mối là người rất quan trọng. Bởi theo quan niệm của người Nùng đôi vợ chồng trẻ có hạnh phúc giàu có hay không phụ thuộc rất nhiều vào ông mối. Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể thắp hương vái lạy trước bàn thờ tổ tiên rồi đi trước, tiếp đến là 2 cô đón dâu và cuối cùng là ông mối.

Lễ đưa dâu trong phong tục cưới hỏi của người Nùng

Tới nhà cô dâu, chú rể làm lễ trình báo tổ tiên, sau đó mời trầu, mời thuốc tất cả họ hàng nhà cô dâu. Đoàn đưa dâu gồm một bà đưa dâu, một cô phù dâu, một cô mang theo tặng phẩm. Việc trải chiếu giường cô dâu đêm tân hôn nhất thiết chỉ bà đưa mới được trải, đây là người đã được chọn lựa rất kỹ.

Trước khi về nhà chồng cô dâu phải mặc những bộ trang phục mới và đẹp. Cô dâu được trang điểm rất kỹ càng, phải chọn người biết chải tóc và đội khăn. Gia đình chuẩn bị một bó đuốc đang cháy đặt cạnh bên bếp lửa, cô dâu cúi xuống hai tay cầm bó đuốc đang cháy đẩy vào bếp, làm cho ngọn đuốc bốc cao.. sau những thủ tục trên cô dâu ra cửa, phù dâu và những người trong đoàn đi theo, kể từ đây cô dâu không được nhìn ngoái lại.

Trên đường đi qua các đền miếu, ông mối vào thắp hương khấn vái. Nếu hai đám cưới gặp nhau giữa đường thì hai cô dâu mời trầu hoặc tặng nhau vật kỷ niệm và phải tránh nhau theo bên phải. Khi đến nhà chú rể bếp lửa phải được che kín không được cho cô dâu nhìn thấy. Bước vào nhà cô dâu thực hiện lễ báo tổ tiên để công nhận cô từ nay là con cháu trong gia đình.
Sáng hôm sau bà đưa đại diện cho nhà gái làm lễ bàn giao và những hồi môn, tặng phẩm của nhà gái cho nhà trai. 

Lễ gia tiên của người Nùng

Lễ trình tổ tiên hay còn được gọi là lễ gia tiên được thực hiện bởi thầy đón rể và thầy đưa rể. Họ đứng trước bàn thờ, chú rể đứng giữa. Châm hai ngọn nến lên bàn thờ. Họ hàng nội ngoại cô dâu ngồi thành hai hàng trước bàn thờ theo thứ tự trong họ tộc. Chú rể vái họ hàng nhà gái và mời trầu cau cho nữ, mời rượu cho nam theo thứ tự. Mọi người mừng lại chú rể chủ yếu bằng tiền.

Khi đưa dâu theo phong tục chiếc ô che đầu luôn là thứ che chở cho cô dâu khỏi sự quấy nhiêu của tà ma. Tới cửa nhà trai, người bên nhà trai làm lễ tẩy trần cho cô dâu. ông chú hay bác rể dùng cành lá bưởi vẩy vài giọt nước vào chân cô dâu. Cô dâu đến bàn thờ tổ tiên lễ và họ hàng bên nhà chồng cùng ngồi hai bên theo thứ tự giống như ở nhà gái. Cô dâu lễ họ hàng và mỗi người trong họ hàng đều mừng tiền cho cô dâu.

Lễ lại mặt của người Nùng

Lễ lại mặt là nghi lễ mà đôi vợ chồng trẻ mới cưới về thăm bố mẹ vợ. Thời gian thực hiện lễ lại mặt của người Nùng là ba ngày sau đám cưới. Sính lễ mang về tặng bố mẹ trong lễ lại mặt của người Nùng bao gồm: đôi gà sống thiến, thịt lợn, rượu, một ít xôi, chè, thuốc lá. Chàng rể ở lại nhà vợ một ngày và đi thăm khắp họ hàng nhà vợ để nhận mặt. Khi đôi vợ chồng trẻ trở lại nhà trai thì nhà gái sẽ chia một nửa số lễ vật trên để nhà trai đem về chia cho họ hàng.

Phong tục cưới hỏi người Nùng hiện nay.

Ngày nay nhiều thủ tục rườm rà trong phong tục cưới hỏi của người Nùng đã được bãi bỏ. Những chàng trai và cô gái dân tộc Nùng có nhiều thời gian để tìm hiểu và đến với nhau bằng tình yêu. Hiện nay gần như không còn các trường hợp tảo hôn ở dân tộc Nùng nữa. Đa số các đôi trai gái tiến đến hôn nhân đều ở độ tuổi phù hợp với luật hôn nhân gia đình của Việt Nam. Ngoài ra, tiệc cưới và lễ cưới của họ hiện nay cũng đã được hiện đại hóa rất nhiều, không còn cầu kỳ và phức tạp như trước kia nữa.

>>> Xem thêm: Váy cưới công chúa là gì?

>>> Xem thêm: 9 cách kiếm tiền cưới vợ ngoài thu nhập chính

1 bình luận trong “Dấu ấn trong phong tục cưới hỏi người Nùng ở Việt Nam

  1. Đám cưới của người dân tộc có nhiều điểm khác với đám cưới của người Kinh. Dân tộc nào cũng tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán của dân tộc mình để giữ lại những tập tục truyền thống cho con cháu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *