Mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục cưới độc đáo của riêng mình. Sự khác biệt trong kiểu cách, chất liệu và màu sắc của những bộ trang phục cưới người dân tộc đã góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong các lĩnh vực trang phục, thiết kế, du lịch …
Ngày nay, tuy rất nhiều người dân tộc đã không còn sử dụng trang phục truyền thống của mình trong lễ cưới. Thay vào đó họ chọn âu phục như đám cưới của hầu hết người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, vẫn không ít chàng trai, cô gái vẫn chọn trang phục cưới truyền thống của dân tộc mình để mặc trong lễ cưới. Dù đây chỉ là một hành động nhỏ, nhưng nó chính là một cách mà người dân tộc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng Webdamcuoi điểm qua một số trang phục cưới dân tộc độc đáo tại Việt Nam. Các trang phục cưới này đa số là của những dân tộc thiểu số miền núi, tập trung tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ của nước ta.
Trang phục cưới dân tộc H’Mông
Giới thiệu về người H’Mông
Người H’Mông là một trong số 54 dân tộc anh em đang sinh sống tại Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 2019 thì người H’Mông có dân số cao thứ 6 trong số 53 dân tộc tại Việt Nam. Họ cư trú tại 62 trên tông số 63 tỉnh thành trên cả nước
Trước đây dân tộc H’Mông tập trung ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Khu vực cư trú của người H’Mông khá rộng. Nó trải dài theo biên giới Việt Nam – Trung Quốc và biên giới Việt Nam – Lào. Trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh thành như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La …
Người H’Mông có tập quán du mục nên đến những năm thập niên 80, thập niên 90 của thế kỷ XX, những người H’Mông đã di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc sang đến tận Tây Nguyên và sinh sống ở một sống nơi thuộc Gia Lai, Kon Tum.
Trang phục cưới của người H’Mông
Trang phục cưới truyền thống của cô dâu người H’Mông thường có màu sắc sặc sỡ. Áo dày tay và váy xòa, được may tinh xảo. Váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, có tấm vải che phía trước và vuông vải nhỏ che lưng phía sau, thắt lưng, khăn quấn đầu, chân vấn xà cạp. Váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng. Trang phục của chú rể người H’Mông thường là màu xanh đậm hoặc màu đen.
Rất nhiều bạn trẻ thích trang phục của người H’Mông, đặc biệt là các bộ trang phục H’Mông dành cho cô dâu. Họ còn sử dụng trang phục truyền thống của người H’mông để chụp album cưới nữa.
Trang phục cưới người Tày
Giới thiệu về người Tày
Người Tày là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, nhóm địa phương Pa dí, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, thuộc hệ ngôn ngữ Thái-Kadai sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi Đông Bắc nước ta. Người Tày trước đây hay được gọi là người Thổ (tuy nhiên tên gọi này hiện nay được dùng để chỉ một dân tộc khác. Người Tày có dân số đông thứ 2 ở Việt Nam sau dân tộc Kinh
Trang phục cưới của người Tày
Trang phục cưới đơn giản, được làm từ vải bông dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục của cô dâu và chú rể, và hầu như không trang trí hoa văn. Nhìn trang phục đơn giản nhưng mang nét đặc trưng và nét đẹp, cô dâu người Tày da rất trắng khi mặc trang phục cưới lên nhìn rất nổi bật.
Trang phục cưới dân tộc Mường
Giới thiệu về dân tộc Mường
Người Mường là tộc người có dân số đông thứ 4 trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chỉ sau người Việt, Tày, Thái.
Người Mường ở nước ta cư trú trên một vùng đồi núi khá rộng, trong các thung lũng chân núi, có địa lý môi sinh thuận lợi cho trồng trọt, nằm giữa vùng người Việt ở phía đông và vùng người Thái ở phía tây, chiều dài khoảng 350km, chiều rộng khoảng 80-90km; tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ; các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa và rải rác ở các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái…
Trang phục cưới của dân tộc Mường
Trang phục truyền thống của nữ giới dân tộc Mường khá độc đáo. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.
Trang phục nam giới dân tộc Mường đơn giản hơn. Áo ngắn, cổ tròn, có nẹp viền quanh. Quần được may bằng vải mộc thô màu trắng, nhuộm nâu hoặc nhuộm chàm, ống rộng. Khi mặc quần, người mặc sẽ bắt chéo hai mép cạp dắt vào bên trong và dùng khăn thắt lại. Khăn của nam giới người Mường màu đen hoặc tím than bằng vải tự dệt. Hiện nay, bộ trang phục truyền thống của nam giới Mường hầu như không còn nữa, chủ yếu họ mua sẵn trang phục của người Kinh ở ngoài chợ.
Trang phục cưới của chú rể người Mường thường màu xanh, còn cô dâu áo màu hồng hoặc màu trắng, váy nhung dài, trên đầu quấn khăn màu trắng.
Trang phục cưới dân tộc Dao
Giới thiệu về dân tộc Dao
Dân tộc Dao là một trong những dân tộc trong số 54 dân tộc anh em đang sinh sống tại Việt Nam. Người Dao sống tập trung phần lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Một số sống tại khu vực Tây Nguyên và một phần nhỏ cư trú ở miền Đông Nam Bộ
Trang phục cưới của dân tộc Dao
Phụ nữ Dao mặc đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Y phục rất sặc sỡ. Họ thêu hoàn toàn dựa vào trí nhớ trên mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây. Người Dao in hoa văn trên vải bằng sáp ong, dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ do phủ lớp sáp ong không bị thấm chàm.
Trang phục cưới của người Dao thường có màu sắc sặc sỡ, thường sử dụng nhiều là màu đỏ, thể hiện sự may mắn, hạnh phúc và năng lượng tươi mới.
Trang phục cưới người Khmer
Giới thiệu về người Khmer
Theo một số nghiên cứu thì dân tộc Khmer tại Việt Nam có nguồn gốc từ nước Campuchia thời xưa. Họ di dân sang cư trú tại Việt Nam vì những lý do khác nhau. Người Khmer sinh sống và cư trú nhiều nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của nước ta. Trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng .
Trang phục cưới của người Khmer
Trang phục cô dâu, chú rể người Khmer mang đậm chất truyền thống, chú rể mang bộ xà rông và áp ngắn, cổ đứng, cài khuy, xẻ phía trước, có thể thêm 1 chiếc khăn choàng, hoặc chú rể có thể mặc áo ngắn màu đỏ hoặc trắng, cổ đứng, tay dài, cúc cài phía trước, vai vắt thêm khăn.
Trang phục cưới của cô dâu vô cùng lộng lẫy, chuẩn bị nhiều họa tiết và đòi hỏi sự tinh tế sắc sảo, kèm theo nhiều trang sức như khuyên tai, nhẫn, dây chuyền. Những người con gái Khmer vô cùng xinh đẹp, nên mặc lên trang phục cưới càng lộng lẫy và quyến rũ.
Văn hoá các dân tộc thiểu số là một thành tố văn hoá Việt Nam, bản sắc văn hoá độc đáo của họ đã đóng góp và làm phong phú cho nền văn hoá Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển “hòa nhập” mà không bị hòa tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự duy trì bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hóa sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy
>>> Xem thêm: Bàn thờ gia tiên của 3 miền có gì khác nhau?
Trang phục cưới của người dân tộc khá là đẹp, độc đáo và lạ so với những bộ trang phục cưới thường thấy
Mấy bộ đồ này nhìn phức tạp quá. chỉ hợp với người dân tộc thôi. người thường thì không chọn loại trang phục này đâu