Bí ẩn trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ

Thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ có những món khá phổ biến đơn giản nhưng cũng có những món được xem là huyền thoại của tiệc cưới chỉ có riêng ở vùng Nam Bộ nước ta.

Một số món ăn trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ cũng có một số món giống với thực đơn tiệc cưới của người miền Bắc. Nếu có dịp ăn cỗ cưới của người Nam Bộ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những món như thịt gà luộc rắc lá chanh hay món xôi gấc đỏ như son trong thực đơn tiệc cưới của họ. Tuy nhiên, có những món rất đặc biệt chỉ có tại Nam Bộ mà thôi

Món khai vị trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ

Người Nam Bộ thường khai tiệc bằng các món khô trong thực đơn tiệc cưới. Các món khô này là các món khai vị. Nó được gọi theo kiểu của người miền Nam là “Bốn món ăn chơi”. Gọi như thế vì bốn món này mỗi món chỉ được phục vụ với số lượng rất ít. Thực khách chỉ ăn lấy vị là chính, ăn chơi thôi chứ không ăn no. Bốn món này được dọn chung ra 1 đĩa chứ không chia thành 4 đĩa khác nhau.

Một số nơi người ta dùng những tên mỹ miều để chỉ 4 món khai vị này như là: Tứ Quý Hưng Long, Tứ Quý Khai Hoa, … Bốn món khai vị này thường là các món như: chả giò, sườn Kinh Đô, càng cua bách hoa, thịt nguội bát bữu, sò huyết Tứ Xuyên, gỏi củ hủ dừa hoặc gỏi sen tôm thịt, …

so huyet tu xuyen
sò huyết tứ xuyên

Đối với những thực đơn tiệc cưới đơn giản, người ta đơn giản hóa 4 món khô khai vị này thành 1 món duy nhất và được trình bày thành 1 đĩa lớn. Ngay tiếp theo sau món khai vị chính là món súp

Món súp trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ

Trong thực đơn tiệc cưới của những tầng lớp có tiền ở miền Nam thì bao giờ cũng có món súp rất đặc biệt. Đó có thể là món súp vi cá mập cực kỳ đắt tiền hoặc có thể rể hơn là món súp măng tây cua. Tuy nhiên, những gia đình có kinh tế bình thường cũng thường hay sử dụng món súp làm món khai vị. Mặc dù nguyên liệu tạo ra món súp không thể so sánh được với các tầng lớp giàu có, những với những nguyên liệu được lựa chọn từ trứng gà, trắng cút, măng tre thái nhuyễn, các loại nấm như nấm tuyết, nấm vị cua … kết hợp với bột năng, bột bắp tạo độ sệt vẫn tạo ra món súp ngon chất.

món súp
Món súp bóng cá cua

Người miền Nam thích sử dụng những cái tên rất hào nhoáng để đặt tên cho món súp trong thực đơn tiệc cưới của mình. Trứng gà được đánh nhuyễn trong súp tạo ra độ sền sệt trắng trắng nên được mọi người gọi là món Phong Vân Hội Tụ, nghĩa là sự kết hợp giữa gió và mây. Một số nhà hàng tiệc cưới khác lại thích sử dụng cái tên là Loan Phượng Hòa Mình cho món súp của mình. Cái tên này thực sự nghe rất hay và rất hợp với đám cưới nhưng lại gây khó khăn cho thực khách khi không biết Loan Phượng Hòa Mình là cái món gì nữa?

Những món ăn phổ biến trong thực đơn tiệc cưới của người miền Nam

Sau món khai vị và món súp, trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ sẽ là những món ăn chính. Món chính của tiệc cưới của người miền Nam được chia ra làm 3 loại là quay, hấp và chiên. Dễ bắt gặp nhất trong các món chính trong tiệc cưới là những món heo sữa quay, gà quay bánh bao, cá bống mú hoặc cá chẽm hấp hành gừng, tôm hấp dừa hoặc hấp bia, cá tai tượng chiên xù, mực chiên giòn …

Heo sữa quay
Heo sữa quay

Các món chính kết thúc bằng món cơm chiên hoặc mì xào. Hiện nay, nhiều người thích chọn món lẩu thay cho món cơm chiên hoặc mì xào để kết thúc các món chính. Họ thường chọn món lẩu Tom Yum (lẩu Thái), lẩu hải sản hoặc lẩu nấm.

Lẩu Tomyum
Lẩu Thái

Người miền Nam kết thúc bữa tiệc bằng món tráng miệng là các món chè hoặc là đĩa trái cây thập cẩm. Hiện nay, rất nhiều người miền Nam quyết định chọn đãi tiệc cưới tại các nhà hàng tiệc cưới thay vì đãi tại nhà. Điều này giúp giảm thiểu các công việc trong ngày cưới của gia chủ. Vì thế, các món ăn trong tiệc cưới của người Nam Bộ ngày nay cũng đa dạng hơn, phong phú hơn so với thời xưa. Mặc dù vậy có một món ăn được cho là món huyền thoại trong tiệc cưới của các bậc nhà giàu ở lưu vực Đồng Bằng Sông Cữu Long. Món ăn này hiện này chỉ còn được nghe theo lời kể của những bậc tiền bối Nam Bộ mà không còn hiện diện trên bàn tiệc cưới của người Nam Bộ ngày nay nữa. Tên món này chính là Phượng Hoàng Bát Trân.

Phượng Hoàng Bát Trân, món ăn huyền thoại trong tiệc cưới của người Nam Bộ.

Nguồn góc tên gọi của món Phượng Hoàng Bát Trân  

Món ăn Phượng Hoàng Bát Trân còn có nhiều tên gọi khác nhau dựa trên thành phần nguyên liệu và xuất xứ của món ăn này. Nó còn có những cái tên rất kiêu như là Kim Kê Bát Bữu hay Giang Nam Dã Hạt. Món ăn này trước đây khá thịnh hành ở Đồng Bằng Sông Cữu Long.

Sỡ dĩ món ăn này được một số người miền Nam gọi là Giang Nam Dã Hạt vì một số nhà phú hộ muốn nó có một cái tên cầu kỳ mang đậm chất kiếm hiệp. Dã hạt nghĩa là con chim hạc đậu trên cánh đồng lúa mênh mông, còn từ Giang Nam là mượn từ một địa danh thường xuất hiện trong các phim cổ trang của Trung Quốc, Hong Kong. Món này này được liệt kê vào một trong những món ăn quý tộc và cầu kỳ nhất trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ vào thập niên XX.

Khi món Phượng Hoàng Bát Trân được trình bày trên một chiếc đĩa to cầu kỳ. Một con gà mái tơ được quay chín vàng thơm phức hiện diện trên mặt đĩa. Phía dưới con gà là tám món ăn và gia vị kèm theo. Chính vì vậy món này được gọi là Bát Trân hay Bát Bữu. Tám món ngon quý đó bao gồm: trứng, cua biển, óc heo, tôm càng, ruột gas heo, chim sẻ lạp xưởng, thịt khô, măng tre.

Món ăn tiệc cưới huyền thoại Phượng Hoàng Bát Trân của người Nam Bộ

Món Phượng Hoàng Bát Trân được chế biến cầu kỳ với 3 loại trứng khác nhau được đặt trên 3 lớp măng tre phía dưới con gà mái tơ được quay chín vàng. Số lượng trứng mỗi loại thường là 10 hoặc 12 tùy theo số lượng khách mỗi bàn tiệc.

Lớp trứng đầu tiên đại diện cho lớp trứng non của con gà. Loại trứng này không phải là trứng gà hay trứng của bất kỳ loài gia cầm nào. Mà loại trứng này được làm từ thịt sấy khô cắt nhỏ, lạp xương thái hạt lựu kết hợp với thịt cua, hành củ, nấm rơm, một nhĩ thái chỉ. Tất cả các nguyên liệu này được băm nhuyễn và trông đều trước khi được vo thành viên hình quả trứng nhỏ. Xung quanh lại còn được quấn thêm 1 khúc ruột heo được làm sạch và chiên vàng.

Lớp trứng thứ hai đại diện cho lớp trứng già của con gà. Trên lớp trứng đó được để một lớp măng, tiếp trên măng tre lại để một lớp trứng nữa. Nhưng lớp trứng này lại khác với lớp trứng đầu tiên. Lớp trứng này được làm bằng tôm càng băm nhuyễn trộn với củ năng thái nhỏ và bột mỳ trước khi đem nặn thành từng viên. Cũng giống như lớp trứng đầu tiên, lớp trứng này cũng được quấn một khúc ruột heo chiên giòn.

Lớp trứng thứ ba đại diện cho lớp trứng lộn của con gà. Lớp trứng này cũng được để bên trên lớp măng tre như 2 lớp trước. Lớp trứng này lại được làm bằng nhưng nguyên vật liệu hoàn toàn khác 2 lớp trứng trên. Lớp trứng này được làm bằng gan heo bằm nhỏ, đậu đen, mè, tương hột, nước cốt dừa, lá chanh, lá rau răm và ốc heo. Tất cả nguyên liệu được hòa trộn và nặn thành từng viên to cỡ quả trứng. Cũng như 2 lớp trứng trên, lớp trứng này cũng được cuốn 1 khúc ruột heo chiên vàng xung quanh.

Lớp trứng cuối cùng cũng là lớp trứng trên cùng của món ăn được gọi là trứng nở con. Nó được người chế biến sử dụng những vỏ trứng được làm sạch và đục 1 lỗ nhỏ vừa đủ. Người ta sử dụng một con chim sẻ hoặc chim dồng dộc đã được chiên vàng để đặt vào bên trong vỏ trứng. Lớp trứng này cũng được ăn kèm với măng tre.

Để trên tất cả lớp trứng đó là con gà quay hay còn gọi là gà rôti. Con gà được người đầu bếp tạo hình với tư thế xòe cánh che  trùm hết số trứng bên dưới, nhìn như là đang ấp trứng. Điều này cũng mang ngụ ý một lời chúc phúc tốt đẹp dành cho cô dâu và chú rể. Sau đám cưới cô dâu và chú rể sẽ sớm sinh con và có được con cháu đầy đàn. Hình ảnh này là biểu tượng cho hạnh phúc, sum vầy, sung túc.

Con gà quay trên cùng được chặt ra thành từng khúc nhỏ và ghim dính lại với nhau bằng tăm để khách mời có thể dễ dàng gắp ra từng miếng một để ăn. Khi ăn phần thịt gà có thể ăn kèm với các loại trứng và măng tre nên không bị ngán.

Được lót dưới cùng của món ăn này chính là cơm chiên. Món Phượng Hoàng Bát Trân này đúng nghĩa là món ăn chính của tiệc cưới vì nó bao gồm luôn cả món cơm trong đó. Khi phục vụ món Phượng Hoàng Bát Trân này, người ta thường dọn kèm theo một món ăn có nước như là giò heo hầm củ cải mặn hay món hầm ngũ quả bao gồm táo tàu, hạt sen, củ năng, bạch quả, hạt kê.

Hiện nay, hầu như món Phượng Hoàng Bát Trân không còn xuất hiện trong thực đơn và không được phục vụ trong các nhà hàng tiệc cưới ở khu vực Nam Bộ nữa vì sự kỳ công và cầu kỳ khi chế biến món này. Thay vào đó, người ta chia các món ra thành từng món riêng biệt như là gà quay bánh bao, món cơm chiên Dương Châu, món gà tiềm ngũ quả, … Phượng Hoàng Bát Trân có lẻ chỉ còn là món ăn huyền thoại chỉ được nghe kể lại qua lời kể của những người xưa mà thôi.

>>> Xem thêm: Tại sao cần phải có MC trong tiệc cưới

>>> Xem thêm: Lễ gia tiên trong đám cưới truyền thống của người Việt Nam

, , , , , ,

1 bình luận trong “Bí ẩn trong thực đơn tiệc cưới của người Nam Bộ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *